Bùng nổ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR ở Đông Nam Á
Được thúc đẩy bởi dân số trẻ và được kết nối, các khoản thanh toán kỹ thuật số đã bùng nổ trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán xuyên biên giới thực hiện bằng mã QR đã đạt hơn 800 tỷ USD ở khu vực ASEAN vào năm 2022.
Dễ sử dụng
Nhân dịp Tết năm mới của người Thái Lan tháng 4 vừa qua, anh Denis Ok, doanh nhân người Pháp gốc Khmer sống ở Campuchia 5 năm, đã có chuyến thăm Thái Lan để trải nghiệm dịch vụ thanh toán xuyên biên giới ở Đông Nam Á. Thay vì đổi tiền mặt sang đồng baht (đồng nội tệ của Thái Lan), anh Denis Ok thực hiện phần lớn giao dịch từ điện thoại di động của mình: Quán cà phê, nhà hàng, phòng tập thể dục hoặc mua sắm. Tất cả những gì anh phải làm là quét mã QR của người bán để thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng Campuchia.
Chợ đêm trên đường Yaowarat, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: stock.adobe.com |
a của mình. “Hoàn toàn đơn giản: Không cần phải có ví đầy ngoại tệ. Và trên hết, tỷ giá hối đoái tốt hơn ở nhà phân phối hoặc văn phòng đổi tiền”, anh Denis Ok giải thích.
Kể từ đại dịch Covid-19, yêu cầu hạn chế lưu thông tiền giấy, vốn được coi là vật trung gian truyền virus, đã dẫn đến sự bùng nổ của thanh toán kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Theo WB, tổng giá trị thương mại đạt hơn 800 tỷ USD vào năm 2022 ở các nước ASEAN, tăng 14% so với năm 2021.
Thay vì dựa vào thẻ ngân hàng như ở châu Âu, nhiều nước trong khu vực đã lựa chọn mã QR làm phương tiện thanh toán ưa thích. Phương pháp rất đơn giản: Từ ứng dụng ngân hàng của mình, khách hàng quét mã QR của người bán để thanh toán. Người bán hàng sẽ nhận được tiền ngay lập tức, còn người mua thì không mất bất kỳ khoản phí nào.
Mặc dù các hệ thống thanh toán tức thời này được phát triển đồng thời ở các quốc gia khác nhau trong khu vực nhưng chúng vẫn mang tính thuần túy quốc gia, không cho phép giao dịch giữa các nước láng giềng. Nhưng trong 18 tháng qua, các nước ASEAN đã nhân rộng các thỏa thuận khung để thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng nội tệ.
7/10 quốc gia trong khu vực, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Singapore đã kết nối hệ thống thanh toán với nhau thông qua các ngân hàng trung ương và ngân hàng tư nhân quốc gia, bảo đảm việc trao đổi tiền tệ này sang tiền tệ khác. Ví dụ, một người Thái Lan đi du lịch ở Kuala Lumpur (Malaysia) giờ đây có thể thanh toán từ tài khoản ngân hàng của mình bằng đồng baht cho một người bán hàng ở Malaysia, người sẽ nhận giao dịch bằng đồng ringgit. Tất cả chỉ bằng cách quét mã QR từ điện thoại thông minh.
Toan Long Quach, chuyên gia tài chính của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 giải thích: “Điều này thúc đẩy thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và toàn diện hơn cũng như tăng cường quan hệ kinh tế trong khu vực”.
Hiện tại, các phương tiện thanh toán này chỉ giới hạn trong ngành thương mại bán lẻ và chủ yếu nhắm đến khách du lịch nội khối ASEAN (chiếm gần một nửa số khách du lịch từ các quốc gia thành viên kể từ khi đại dịch kết thúc). Nhưng thực tế, khối lượng trao đổi có thể lớn hơn và tích hợp các khoản đầu tư trong khu vực.
Mảnh đất màu mỡ cho việc số hóa thương mại
Việc số hóa nhanh chóng các giao dịch trên được thực hiện nhờ dân số trong khu vực đa phần là trẻ và 80% trong số 663 triệu dân của các nước ASEAN có điện thoại kết nối internet. Việc người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng cũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc số hóa thương mại khi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp. Theo WB, 60% người dân Campuchia có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử vào năm 2021, so với chỉ 3% vào 10 năm trước đó. Ở Singapore hay Malaysia, hơn 90% dân số có tài khoản ngân hàng.
Đằng sau tính thực tiễn sử dụng còn là vấn đề chủ quyền tiền tệ đối với các nền kinh tế trong khu vực. Clément Berthou, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Pacte (Pháp) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC), giải thích: “Các thỏa thuận gần đây được đưa ra giữa các ngân hàng trung ương cho phép trao đổi xuyên biên giới ngay lập tức giữa các loại tiền tệ của các quốc gia thành viên mà không cần phải trực tiếp sử dụng đồng USD. Ngoài tính dễ sử dụng, những giải pháp này còn thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia thành viên, điều này cho phép các nước ASEAN tái cấu trúc chi phí giao dịch và không còn phụ thuộc vào những tổ chức tư nhân nước ngoài như MasterCard hoặc Visa để thanh toán nội bộ khu vực”.
Việc thanh toán xuyên biên giới hiện được thực hiện bằng mã QR đã mang lại những hiệu quả ban đầu. Năm 2022, Indonesia đã trao đổi số tiền tương đương 3,8 tỷ USD với các đối tác ASEAN thông qua thanh toán bằng đồng nội tệ xuyên biên giới, tăng 50% so với năm 2021. Trong khi đó, tiềm năng kinh tế của khu vực Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý của các nước láng giềng Đông Á. Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận với các ngân hàng trung ương Campuchia và Indonesia để cho phép thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới vào năm 2025.
BÌNH NGUYÊN