Apple và cơn bĩ cực sau 16 năm: Từ dòng người háo hức mua iPhone đến màn ra mắt thảm hại của kính thực tế ảo
Bài học đắt giá cho một công ty ngừng đổi mới, chỉ dựa vào những dòng sản phẩm cũ làm nên tên tuổi là chẳng biết bao giờ sẽ bị “cướp ngôi”.
Kể từ đó đến nay, hình ảnh những dòng người xếp hàng chờ đợi các sản phẩm mới của Apple đã không còn xa lạ khi khách hàng háo hức được thưởng thức những công nghệ mới đột phá, gây ngạc nhiên cho người dùng.
Thế nhưng, buổi ra mắt mới đây của dòng kính thực tế ảo “Vision Pro” của Apple lại chẳng mấy ai biết tới chứ đừng nói đến chuyện xếp hàng chờ đợi như với iPhone.
Sự thờ ơ của người hâm mộ với một sản phẩm mới của Apple, tập đoàn vốn nổi tiếng với những sự đột phá về công nghệ và các màn ra mắt hoành tránh đã khiến nhiều chuyên gia bắt đầu lo lắng liệu đế chế này có bắt đầu bước vào vết xe đổ của Nokia khi sống dựa hơi trên những dòng sản phẩm cũ làm nên tên tuổi.
Vào tháng 4/2023, hãng tin Bloomberg cho biết Apple ước tính sẽ bán được khoảng 3 triệu chiếc kính thực tế ảo, thế nhưng sau buổi ra mắt, con số này chỉ còn khoảng 900.000 chiếc. Thậm chí chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush Securities còn cho rằng con số còn chưa đủ 150.000 chiếc trước sự thờ ơ của người dùng với sản phẩm này.
Tờ Business Insider (BI) cho hay Apple bán khoảng 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm nên một sản phẩm mới có doanh số như trên là đáng báo động khi hãng đã đổ vô số tiền bạc, nguồn lực vào phát triển chúng.
Theo BI, Apple có lẽ đang đi sai hướng khi từ bỏ mảng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) để tiếp tục giấc mơ vũ trụ ảo. Hiện trợ lý ảo Siri của họ vẫn chẳng thể so sánh được với ChatGPT của Microsoft chứ đừng nói đến Bard của Google.
Thậm chí đến Mark Zuckerberg của Facebook, người nổi tiếng nhất trong làng vũ trụ ảo hiện nay cũng đã phải chuyển hướng đầu tư AI khi nhận ra giấc mơ của mình còn chưa đúng thời điểm.
Tuy nhiên CEO Tim Cook của Apple thì vẫn đặt cược vào sản phẩm mới này với vô số những từ ngữ hoa mỹ như “nền tảng điện toán không gian mới”, “Thay đổi cách nhìn về công nghệ cũng như vai trò của chúng trong cuộc sống”...
Dẫu vậy tờ New York Times (NYT) thì cho rằng cái quan trọng nhất lại chẳng hề được CEO Tim Cook nhắc đến.
Tại sao phải đeo chúng?
Mức giá 3.499 USD cho Vision Pro không hề rẻ và để thuyết phục được người dùng mua chúng cần nhiều hơn là những lời nói sáo rỗng. Sản phẩm này không thực sự gây ấn tượng về công nghệ nếu so sánh với những chiếc iPhone, bởi người dùng không thấy lý do gì để vứt chiếc điện thoại của mình đi để chuyển sang dùng kính thực tế ảo đắt đỏ.
Việc các tính năng của Vision Pro không đủ sức thu hút người dùng khiến mọi người tập trung vào một yếu tố khác: thiết kế-thẩm mỹ.
Điều trớ trêu là sản phẩm được mệnh danh “thay đổi cái nhìn về công nghệ” của nhà táo khuyết lại chẳng phù hợp về tính thẩm mỹ hay thiết kế cho lắm. Xin được nhắc là sản phẩm này theo quảng cáo là sẽ được dùng hàng ngày, phải đeo lên mặt thì mới “tạo nên được cuộc cách mạng công nghệ” chứ không phải chỉ cầm ở tay vuốt như iPhone hồi mới ra mắt năm 2007.
Tờ NYT nhận định việc gắn sản phẩm lên mặt không chỉ gây chú ý từ mọi người xung quanh mà còn thể hiện thái độ của bản thân với mọi người. Liệu có bất lịch sự không khi bạn là người duy nhất trong phòng đeo kính thực tế ảo? Thế rồi liệu người dùng có dám ra đường với một chiếc kính thực tế ảo che nửa khuôn mặt?
Xin được nhắc con mắt là cửa sổ tâm hồn, việc chọn kính cận, kính râm hay kính thời trang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phong cách bản thân và thái độ của mọi người xung quanh với bạn.
Thậm chí, tờ NYT còn thẳng thừng đặt câu hỏi tại sao mọi người lại phải đeo chiếc kính này khi chúng trông hơi “ngố” và chẳng có tác dụng gì nhiều để thay thế một chiếc iPhone. Trong khi những sản phẩm như iPhone, Mac hay iPod khiến người dùng trầm trồ về thiết kế thì Vision Pro lại đem lại một cảm giác thất vọng cho những người hâm mộ nhà táo khuyết.
Bước đi lùi?
Tờ NYT nhận định việc Apple tiếp bước vết xe đổ của Meta (Facebook) đang khiến nhà táo khuyết mất đi bản chất của mình. Thay vì cải tiến, tạo nên đột phá hay có những bước đi riêng thì Vision Pro cũng tương tự như dòng kính thực tế ảo của Mark Zuckerberg.
Ngay cả khi những lỗi pin yếu, nóng máy, cảm thấy chóng mặt khi dùng lâu được Apple chỉnh sửa trên sản phẩm này thì một điểm yếu chết người vẫn còn đó: không có hệ sinh thái tương xứng.
Một chiếc kính thực tế ảo chỉ thực sự có giá trị khi có vũ trụ ảo tương xứng, khi người dùng có thể tương tác như bộ phim “Reality One” từng mô tả. Sản phẩm này chỉ được coi như là cánh cổng để người dùng bước vào thế giới mới chứ không phải là thứ thực sự thu hút người dùng.
Bởi vậy, khi ra mắt một dự án mới chẳng có gì ngoài cánh cửa thì sự thờ ơ của người dùng là điều hiển nhiên. Suy cho cùng, kinh tế đang khó khăn và việc bỏ 3.499 USD để mua về một sản phẩm công nghệ không thực sự mới so với những dòng kính thực tế ảo trước đây là điều phi logic.
*Nguồn: Bloomberg, BI, NYT
Theo Băng Băng