Apple sắp ra mắt kính thực tế ảo demo: Phá vỡ tiêu chuẩn toàn ngành, đắt gấp 3 sản phẩm kính cao cấp của Meta
Apple sắp bật mí sản phẩm thử nghiệm độc đáo sau 7 năm nghiên cứu và phát triển.
Không giống như các sản phẩm khác, kính thực tế hỗn hợp được ra mắt ở chế độ thử nghiệm. Apple dự đoán việc triển khai sẽ chậm hơn so với Apple Watch hoặc iPhone sau 7 năm nghiên cứu ròng rã, đồng thời cho biết đây là một trong những sản phẩm tiêu dùng phức tạp mà chưa công ty nào từng bày bán.
Kính Apple kết hợp giữa thực tế tăng cường và thực tế ảo. Người dùng khi đeo chúng vừa có thể trải nghiệm thế giới ảo, lại vừa có thể nhìn quanh thế giới thực nhờ camera tích hợp.
Được biết, các kỹ sư và giám đốc điều hành đã dành nhiều tháng để chuẩn bị bài thuyết trình cho phiên bản demo. Một số đang thắc mắc về rủi ro trì hoãn kế hoạch, song hiện phía Apple chưa đưa ra bất kỳ lời khẳng định nào. Nhà Táo khuyết có thể sẽ thay đổi thời gian trình làng chính thức nếu cần thiết.
Việc giới thiệu bản demo của kính thực tế ảo trái ngược hoàn toàn với phong cách trước đây của Apple, tức chỉ bày bán khi sản phẩm đó thực sự hoàn chỉnh. Với mức giá dự kiến 3.000 USD nằm ngoài khả năng của nhiều người tiêu dùng, công ty đã lường trước được một số vấn đề về sản xuất. Pin sạc được thiết kế nhỏ gọn vừa lòng bàn tay nhưng tách biệt hẳn với kính, tức đi ngược lại triết lý tối giản và kiểu dáng đẹp điển hình của Apple. Theo các giám đốc điều hành, Apple không muốn chờ đợi lâu hơn vì như vậy mất quá nhiều thời gian tạo ra phiên bản lý tưởng.
Dẫu vậy, một số nhà đầu tư và đối tác tiềm năng vẫn quan ngại về việc người tiêu dùng chi tiền và thời gian cho metaverse. Họ lưu ý rằng công nghệ này đã khiến nhiều người vỡ mộng.
Trước đó, Meta cũng phải phải vật lộn thu hút người tiêu dùng và duy trì doanh số kính thực tế ảo. Walt Disney phải đóng cửa bộ phận phát triển chiến lược cho metaverse, trong khi Microsoft đóng băng một nền tảng thực tế ảo mua lại hồi năm 2017. Đội ngũ phát triển kính thực tế ảo cũng bị cắt giảm.
Rony Abovitz, người sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Magic Leap, một công ty khởi nghiệp về thực tế tăng cường, cho biết: “Apple hoàn toàn đứng trên đỉnh của ngọn núi. Hãy nhìn xem, nếu bạn là một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD, người ta sẽ phải đợi bạn”.
Một số kỳ vọng kính thực tế ảo của Apple sẽ thúc đẩy các sản phẩm metaverse. Họ đã dùng thử và cho biết chúng có thể vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường công nghệ thực tế ảo vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể phát huy hết tiềm năng. Một cặp kính có thể khiến ai đó đắm chìm hoàn toàn trong thế giới kỹ thuật số, song để hoàn hảo hóa một sản phẩm như vậy, chúng ta vẫn còn phải đợi khoảng một thập kỷ nữa.
Ước tính phải đến tháng 9, Apple mới có thể sản xuất hàng loạt kính thực tế ảo. Lô hàng cho năm 2023 rơi vào khoảng 200.000 đến 300.000 chiếc, nhỏ hơn nhiều so với sản lượng các thế hệ iPhone và Apple Watch đầu tiên.
Nhà lắp ráp Luxshare có trụ sở tại Trung Quốc đảm nhận việc sản xuất thiết bị này, đồng thời đang lên kế hoạch sản xuất một phiên bản cao cấp hơn vào năm 2025. Trong khi đó, Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, dự kiến sẽ sản xuất một phiên bản cấp thấp hơn: phiên bản thế hệ thứ hai.
Được biết, thiết kế, độ nhạy và đồ họa sống động của cặp kính thực tế ảo mới được cho là có thể “thổi bay” sản phẩm VR mà Facebook, Sony và HTC sản xuất trước đó. Dự án này đã được ấp ủ và thực hiện trong suốt 7 năm với khoảng 2.000 nhân viên, trong đó có cả lãnh đạo trước đây từng chịu trách nhiệm phát triển VR cho NASA. Chính vì vậy, mười năm sau sự thất bại của Google Glass, cặp kính nghiễm nhiên trở thành kỳ vọng lớn của tất cả những ai yêu mến nhà Táo khuyết.
Không chỉ dừng lại ở mắt kính thực tế hỗn hợp, Apple còn nuôi tham vọng lớn hơn cho hệ sinh thái mới có tên “Reality”. Trước đó hồi năm 2017, Bloomberg từng tiết lộ Apple đang phát triển một hệ điều hành mới dựa trên iOS có tên là “rOS”, dành riêng cho thiết bị AR và VR. Đến đầu năm nay, nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành mới còn sở hữu phiên bản AR của các ứng dụng trên iPhone.
Dẫu vậy, vẫn có người hoài nghi dự án lần này của Apple. Thông tin nội bộ cho biết hãng đã thất bại trong việc tập hợp nhân viên hỗ trợ dự án. Một số người đã rời khỏi nhóm phát triển Apple Glass vì không tin sản phẩm sẽ đủ sức hấp dẫn khách hàng. Số khác thì bị sa thải vì không phát triển kịp các tính năng của kính thực tế ảo, chẳng hạn như hỗ trợ Siri.
Không như iPhone, iPad hay Watch, bản thân Apple cũng không mấy lạc quan về doanh số kính thực tế ảo. Hãng chỉ kỳ vọng bán 1 triệu kính trong 12 tháng đầu bởi thiết bị phức tạp này dự kiến có giá lên tới 3.000 USD, đắt gấp 3 lần kính Meta Quest Pro.
Theo: WSJ, FT
Theo Vũ Anh