Văn học Gen Z - một thế hệ hội nhập
Lấy bản sắc bản địa để xây dựng một nền văn học giải trí dành cho đại chúng, rất nhiều tác giả gen Z như Trần Thái Minh Thư, Emma Hạ My, Doo Vandenis, Diệp Lâm Khánh…đang mang lại một hơi thở mới.
Tác giả trẻ với nhiều thành tựu
Hai năm qua chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn học giải trí Việt Nam với hàng loạt tác phẩm xuất sắc từ những tác giả trẻ. Dường như ở người đọc thế hệ mới, tiểu thuyết, truyện Việt đang có cơ hội bứt lên khỏi cái bóng quá lớn của văn học dịch. Điều đặc biệt là các tác giả chú trọng vào các thể loại khó như kinh dị, trinh thám và dã sử đã mang lại nhiều thành công rực rỡ.
Diệp Lâm Khánh, sinh năm 2003, là một tác giả Gen Z tài năng chuyên viết truyện kinh dị, trinh thám. Từ giữa năm 2020, tác giả đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng: Phát hành truyện ngắn và tiểu thuyết dưới dạng audio trên YouTube (2020), tác phẩm được chọn vào tuyển tập "Cánh chim tự do" trong cuộc thi của CSAGA phối hợp với UNFPA và Chính phủ Nhật Bản (2021); giành giải thưởng tác phẩm được yêu thích nhất trong cuộc thi "Be My Best Self" do YBOX và I Am Gen Z tổ chức (2022); đoạt giải nhất với truyện ngắn "Sasaeng Fan" trong cuộc thi EL Primero (2024). Với một tác giả sinh năm 2003, những thành tựu này là rất đáng nể.
Bìa một số tác phẩm |
Cũng giống như Diệp Lâm Khánh, Emma Hạ My (TP Hồ Chí Minh) không xuất thân từ các trường đào tạo viết văn chuyên nghiệp và sở hữu kênh đăng video truyện ngắn do Emma Hạ My tự sáng tác, tự vẽ minh họa, với hàng triệu lượt xem. Hạ My ghi dấu ấn từ ấy với những câu chuyện ngắn có ý tưởng mới lạ, nhưng vẫn bao hàm ý nghĩa nhân văn và mang đến những cái kết đầy bất ngờ. “Tổng đài kể chuyện lúc 0 giờ” (Linh Lan Books và NXB Phụ Nữ) là tác phẩm thứ hai đã tái bản nhiều lần.
Mới mẻ từ kỹ thuật đến trình bày
Thuở mới tập tành viết lách, Diệp Lâm Khánh cũng như bao người khác đều viết rất bản năng, nghĩ gì viết đó, không có quy trình cụ thể nên thường gặp tình trạng bí từ, bí ý tưởng, tới giữa truyện là không biết nên triển khai tiếp như thế nào nữa. Chính vì thế, ở những tác phẩm sau, tác giả đã thiết lập một quy trình khoa học hơn để có thể sáng tác hiệu quả, dài hơi hơn.
Tác giả và họa sĩ manga Minh Ánh đã tiến hành phiên bản Manga. Việc chuyển thể từ truyện chữ sang truyện tranh đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khi phải lược bỏ những từ ngữ mô phạm, hoa mỹ của văn viết để phù hợp hơn với truyện tranh. Khi xuất bản, việc sử dụng các tranh minh họa xen lẫn câu chuyện đã tạo ra hiệu ứng tích cực và khiến các độc giả vô cùng hào hứng.
Một trường hợp thành công khác là tác giả Doo Vandenis với tác phẩm "17 âm 1" (NXB Thanh Niên và Linh Lan Books). Hiệu quả từ các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là trên Tiktok, là một trong những lý do khiến sách được quan tâm.
Chia sẻ với các bạn trẻ cũng muốn theo nghề viết, Diệp Lâm Khánh cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến độc giả muốn gì, nhưng đồng thời chủ động nghiên cứu chủ đề, thay đổi cách viết để tạo sự mới lạ, tránh dập khuôn và tạo cảm hứng viết cho bản thân. Khi tác giả đam mê và không áp lực với việc sáng tác thì tác phẩm đưa đến người đọc cũng sẽ chỉn chu, mới lạ hơn. Cuối cùng tác phẩm phải hướng đến thông điệp nhân văn, dù đề tài của nó có thể là kinh dị, trinh thám”.
Các tác giả Việt Nam ở thế hệ mới đang dần dần khẳng định được đóng góp nhất định trong mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước thông qua việc sáng tạo và bảo tồn văn hóa. Họ tạo ra các tác phẩm văn học đậm chất văn hóa dân tộc, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Nhưng đồng thời bằng cách khám phá và khai thác những chủ đề mới mẻ, các tác giả tạo ra một môi trường văn hóa phong phú và đa dạng, mở ra những góc nhìn mới và giúp độc giả hiểu sâu hơn về các vấn đề xã hội và con người. Bên cạnh đó, các tác giả cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế thông qua việc tạo ra thị trường riêng cho ngành xuất bản. Các tác phẩm văn học vừa mang lại lợi nhuận từ việc bán sách và bản quyền, vừa kích thích sự phát triển của các ngành liên quan như in ấn, phát hành và truyền thông.
BẢO LỘC