• :
  • :

Thu hút khán giả không dựa vào chiêu trò quảng bá

Là lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, điện ảnh rất chú trọng quảng bá tác phẩm để thu hút công chúng.

Song không vì thế mà quá dựa vào quảng bá để khỏa lấp vấn đề cốt tử là chất lượng nghệ thuật. Đây là nhận định của nhà sản xuất điện ảnh Trịnh Đức Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sáng tạo DV&H trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

 Đoàn làm phim "Mắt biếc" ra mắt tại lễ công chiếu bộ phim. Ảnh: XUÂN LÊ

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết quảng bá có vai trò như thế nào trong một dự án điện ảnh?

Ông Trịnh Đức Việt: Quảng bá có nhiệm vụ đưa tác phẩm điện ảnh đến với công chúng. Một khán giả bình thường không thể biết được bộ phim sẽ ra mắt lúc nào nếu không thông qua báo chí truyền thông. Mặt khác, công chúng ngày càng có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí trong khi quỹ thời gian và tiền bạc có hạn. Quảng bá chính là để công chúng chú ý và ra quyết định ưu tiên bỏ thời gian, tiền bạc đến rạp xem phim hay sử dụng ti vi, các thiết bị thông minh xem các sản phẩm điện ảnh.

Công thức thông thường của một bộ phim ra rạp là kinh phí quảng bá thường chiếm khoảng 50% kinh phí sản xuất phim. Ví dụ, bộ phim Avatar 2 có kinh phí sản xuất khoảng 350-460 triệu USD thì kinh phí quảng bá phải ở tầm cỡ 200 triệu-300 triệu USD. Quảng bá nếu hiệu quả sẽ mang lại doanh thu “phi mã” cho bộ phim.

Với kinh phí sản xuất khiêm tốn chỉ 58 triệu USD, bộ phim về siêu anh hùng “Deadpool” đã mang về 782 triệu USD. Tuy kinh phí truyền thông của bộ phim không được tiết lộ nhưng bất cứ khán giả yêu điện ảnh nào cũng phải ấn tượng với chiến dịch quảng bá của bộ phim, từ các clip giới thiệu trên internet đến những bảng quảng cáo với các tư thế hài hước của nhân vật Deadpool được treo khắp mọi nơi.

Với những dự án điện ảnh không đặt nặng mục đích kinh doanh thì kinh phí chi cho quảng bá sẽ ở mức khiêm tốn. Thường các bộ phim đoạt giải cao trong các liên hoan phim (kể cả giải Oscar) đều không quá chú trọng doanh thu phòng vé, do đó việc quảng bá cũng sẽ hạn chế. Nhà sản xuất phim thường sẽ gửi phim đi tranh giải rồi mới công chiếu rộng rãi. Tất nhiên cũng có trường hợp hiếm hoi vừa là “bom tấn phòng vé” vừa được giải thưởng cao như phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc.

Ông Trịnh Đức Việt.  

PV: Cách thức truyền thông cho một dự án điện ảnh có đặc điểm nào đáng chú ý, thưa ông?

Ông Trịnh Đức Việt: Với những nền điện ảnh chuyên nghiệp như Hollywood, việc quảng bá tác phẩm đã mang tính chuyên môn cao. Kể cả chưa có kịch bản, chưa có đạo diễn, chưa chọn được diễn viên mà mới chỉ là ý tưởng sản xuất là đã có thể tiến hành truyền thông quảng bá.

Nếu công chúng để ý, thỉnh thoảng sẽ thấy trên báo chí truyền thông lan truyền thông tin kiểu như đạo diễn nổi danh nào đó tham gia dự án phim; diễn viên hạng A rút khỏi dự án, thay vào đó là một diễn viên khác... Đây chính là cách tạo sự chú ý của công chúng theo dòng thời gian.

Trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm (có khi kéo dài vài năm), các thông tin về bộ phim sẽ liên tục được cập nhật. Đỉnh điểm là khi phim hoàn thành, chuẩn bị phát hành, sẽ có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, hằng ngày, trên mọi loại hình, phương tiện để “đập” vào giác quan của công chúng. Điều đặc biệt ở điện ảnh là khi bộ phim ra rạp, nhất là tuần đầu tiên, nhà sản xuất sẽ đo lường xem bộ phim có được đón nhận tích cực hay không, từ đó quyết định “bơm” thêm kinh phí để quảng bá nhằm tiếp tục tạo “sóng”, đưa lượng người xem lên đỉnh.   

PV: Ông có thể lý giải vì sao nhiều bộ phim quảng bá rầm rộ nhưng doanh thu lại bết bát?

Ông Trịnh Đức Việt: Quảng bá chỉ là một yếu tố làm nên thành công của một tác phẩm điện ảnh. Chất lượng nghệ thuật của bộ phim, khả năng bộ phim đồng cảm với công chúng, thời điểm ra rạp... đóng vai trò quan trọng không kém.

Ví dụ, bộ phim “Babylon” với các gương mặt đầy sức hút như Brad Pitt, Tobey Maguire và Margot Robbie lại thất bại ê chề ở phòng vé. Thậm chí đã có những trường hợp, chính truyền thông làm hại bộ phim. Truyền thông “bẩn” (thuê bình luận, tương tác ảo, tăng lượt view, nói xấu phim ra rạp cùng thời điểm, thậm chí tự chê bai...), truyền thông sai cách gây phản cảm (khai thác scandal đời tư của diễn viên tham gia đóng phim)... khiến công chúng quay lưng với bộ phim. 

PV: Ông đánh giá truyền thông điện ảnh ở nước ta đã thực sự chuyên nghiệp hay chưa?

Ông Trịnh Đức Việt: Trình độ truyền thông gắn chặt với trình độ phát triển của nền điện ảnh. Ở một khía cạnh nào đó, tôi cho rằng, quảng bá truyền thông ở nước ta đang dần tiệm cận với cách làm của thế giới. Tất nhiên cách làm bài bản này chỉ thấy ở những bộ phim bom tấn Việt quyết tâm ra rạp, muốn kiếm doanh thu khủng như: “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Nhà bà Nữ”...

Theo tôi, điện ảnh không phải sân chơi cho tất cả mọi người, bình quân một năm ở Việt Nam có khoảng 40 bộ phim được phát hành, tuy nhiên số phim có lãi, thậm chí là hòa vốn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rất nhiều bộ phim kém cả về chất lượng lẫn công tác quảng bá khiến khán giả tới rạp phải thất vọng bỏ về.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh điều đã nói: Quảng bá càng chuyên nghiệp, bài bản đương nhiên là điều tốt nhưng không phải là tất cả. Mấu chốt điện ảnh Việt phải có nhiều tác phẩm giá trị, nối tiếp nhau ra đời thì khán giả mới có thói quen dành thời gian và tiền bạc để thưởng thức.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết