• :
  • :

Thăm làng du lịch ven đô

Đến làng du lịch xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), du khách sẽ được thưởng ngoạn những cảnh sắc xinh tươi, thanh bình nơi đây. Một màu xanh trải rộng, xa xa là những cánh đồng rau xanh mướt; làng hoa rực rỡ các màu với hàng chục loại hoa Hồng quý; những trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả và được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất ven sông Hồng.

Điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn ven đô

Xã Hồng Vân nằm ở phía đông huyện Thường Tín, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía nam. Từ một xã nông nghiệp, những năm gần đây, Hồng Vân phát triển theo hướng Du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh, phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch, dịch vụ. Nơi đây hội tụ đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ.

Thăm làng du lịch ven đô
Một số hoạt động du lịch, trải nghiệm tại xã Hồng Vân. Nguồn ảnh: Du lịch Làng quê Hồng Vân

Đến thăm Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách được tham quan, khám phá những nét độc đáo và trải nghiệm tổng hợp của các loại hình du lịch ở nơi đây. Đầu tiên phải nói đến loại hình du lịch sinh thái, làng nghề. Vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh từ những năm 1980, với nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị lớn về nghệ thuật và những nghệ nhân trẻ có tay nghề.

Không chỉ được giao lưu, trò truyện cùng các nghệ nhân tại Làng nghề mà du khách còn được tham gia trải nghiệm hoạt động “một ngày làm nghệ nhân”. Tự tay mình tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh của mình tạo ra.

Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua những trải nghiệm với loại hình làm nông nghiệp, trải nghiệm cộng đồng, thả bộ trên đường làng quê yên bình và bờ đê sông Hồng; thưởng ngoạn những cảnh sắc xinh tươi, thanh bình nơi đây.

Ngoài những điều kiện thuận lợi về làng nghề, nông nghiệp, Hồng Vân cũng có nhiều di tích lịch sử như: Đình Vân La thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa; “Chợ Mới ông Già” nơi lưu giữ những dấu tích của cha con Thánh Chử Đồng Tử sinh sống, lập nghiệp, đền Mẫu Xâm Thị, chùa Đậu; lăng đá Quận Vân; nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, đình Xâm Xuyên, nhà thờ Cơ giáo - Bằng Sở… Đây cũng là cơ sở để Hồng Vân phát triển du lịch trong tương lai.

Có dịp ghé thăm Hồng Vân trong những ngày đầu năm 2022, chị Phan Thị Lệ (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự thích thú. Chị cho biết rất ấn tượng với mô hình du lịch trải nghiệm nơi đây. Thông qua giới thiệu từ bạn bè, chị đã đưa gia đình đến Hồng Vân du lịch vào dịp cuối tuần. “Ấn tượng trong tôi là một màu xanh trải rộng của cánh đồng rau xanh mướt, xen lẫn với nhiều màu sắc rực rỡ của hàng trăm loại hoa khác nhau được trồng trong các nhà vườn và dọc các tuyến đường giao thông. Đặc biệt, mỗi tuyến đường được trồng một loại cây và gắn tên đường theo tên các loại cây đã tạo nên điểm nhấn riêng biệt của Hồng Vân như: Hoàng yến, bằng lăng, hoa ban, hoa giấy…”, chị Lệ bày tỏ.

Tương tự, từng tham gia cùng con trong hoạt động ngoại khóa, thăm mô hình Nông trại giáo dục, chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Hoàn Kiếm) cũng cảm thấy vô cùng thú vị. Theo chị Mai, hiện nay mô hình du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ trải nghiệm được nhiều phụ huynh quan tâm. Việc kết hợp du lịch, tham quan, vui chơi cho các em nhỏ gắn với các hoạt động: Trồng cây, bắt cá, cấy lúa, thăm đồng, chăm sóc vật nuôi… là mô hình rất thích hợp cho trẻ nhỏ, giúp trẻ có thêm kiến thức về thế giới tự nhiên, nghề nông, các trò chơi dân gian và tận hưởng không khí trong lành của làng quê.

Quan tâm phát triển du lịch

Được biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động, song bằng sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, xã Hồng Vân đã quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực. Những năm qua, xã Hồng Vân tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo định hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa và khai thác du lịch - dịch vụ trong nông nghiệp.

Một trong những hình thức được nhiều hộ gia đình trong xã áp dụng là xây dựng mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật. Các gia đình thường tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày đa dạng các loại cây cảnh nhỏ, vừa và lớn, cùng với đó là sắp xếp để thuận tiện và thu hút khách tham quan.

Ông Vũ Văn Úy, người dân làm nghề sinh vật cảnh đã được gần 20 năm tại xã Hồng Vân từng chia sẻ: Ban đầu chuyển đổi thì rất vất vả, khó khăn nhất là chi phí đầu tư để cải tạo, xây dựng mô hình du lịch rất lớn. Tuy nhiên chính quyền rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để các hộ phát triển theo hướng này. Đến nay, cuộc sống và kinh tế của gia đình đã đi vào ổn định, với một phần nguồn thu từ du lịch, dịch vụ.

Thăm làng du lịch ven đô
Nguồn ảnh: Du lịch Làng quê Hồng Vân

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân Nguyễn Xuân Đạo, bên cạnh phát triển nghề sinh vật cảnh theo hướng bền vững, địa phương còn chú trọng nâng cao ý thức người dân và hình thành gần 20 mô hình du lịch tiêu biểu để người dân học tập. Năm 2018, Hồng Vân được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Nhận thấy hiệu quả của mô hình du lịch, xã chọn phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch xanh, du lịch nông nghiệp với mục tiêu nhân rộng những vùng quê đáng sống không chỉ với riêng người dân nông thôn mà còn trở thành vùng đất lý tưởng thu hút du khách khắp mọi miền.

Những năm qua, xã Hồng Vân cũng đặc biệt chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng tạo cơ sở thu hút du lịch; các công trình văn hóa, di tích lịch sử được trùng tu, nâng cấp. Cùng với đó, xã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng các sản phẩm du lịch của xã như: Các sản phẩm nông sản, hoa cây cảnh, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, làng nghề, nông nghiệp…Tổ chức phát động, thực hiện tốt hai phong trào: Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng người Hồng Vân thân thiện - mến khách. Thời gian gần đây, lượng du khách đến thăm quan, trải nghiệm trên địa bàn xã đã từng bước tăng trở lại, tập trung ở các tại mô hình nhà vườn, cơ sở dịch vụ, ẩm thực, vui chơi giải trí. /.

Kim Tiến
Lượt xem: 229
Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...