• :
  • :

Nhiều người trẻ Trung Quốc “sợ giao tiếp xã hội”

China Youth Daily, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, mới đây công bố kết quả khảo sát cho thấy 64% người trẻ ở nước này cảm thấy “mắc kẹt hoặc đông cứng” khi tham gia các tương tác xã hội.

Theo kết quả khảo sát, 27% trong số 2.000 người ở độ tuổi 18-35 được hỏi cho biết họ gặp vấn đề khi thực hiện các hoạt động xã hội trực tiếp. 17% số người được hỏi cho biết, ngay cả giao tiếp trên mạng cũng là thử thách, trong khi 20% cho biết gặp khó trong cả tương tác trên mạng lẫn ngoài đời. Chỉ 30% nói không gặp bất kỳ khó khăn nào. Khảo sát không nêu ý kiến của 7% số người còn lại.

Sinh viên Trung Quốc coi giao tiếp trên mạng là một phần của cuộc sống hằng ngày. Ảnh: AP 

Cuộc khảo sát làm sáng tỏ những thách thức mà những người trẻ tuổi ở Trung Quốc phải đối mặt trong việc thiết lập các kết nối xã hội. Theo đó, thuật ngữ “shekong”, nghĩa là “ám ảnh xã hội”, đang trở thành từ ngày càng phổ biến trong giới trẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó nhiều người sợ giao tiếp xã hội ngoài đời. Một báo cáo từ South China Morning Post cho biết, Liu Jin, một sinh viên tốt nghiệp đại học từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tiết lộ rằng anh không thích giao tiếp với những người lạ và tránh bắt chuyện. Liu Jin cho biết: “Khi gặp người lạ, tôi thường không chủ động mở lời mà chỉ đáp lại một cách thụ động”. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 40% số người được hỏi cố gắng tránh giao tiếp xã hội, 30% không và 30% còn lại cho biết điều đó phụ thuộc vào tình huống.

Cũng theo khảo sát trên, 60% cá nhân tránh tiếp xúc xã hội cho biết họ cảm thấy khó chịu khi phải tiếp xúc có chủ đích, trong khi 50% cho biết họ quá căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống nên không còn năng lượng để giao tiếp. Các lý do khác bao gồm thiếu kinh nghiệm xã hội hoặc ký ức tiêu cực về các sự kiện xã hội trong quá khứ.

Guan Jian, giáo sư tâm lý xã hội từ Đại học Nankai nhận xét, giao tiếp trên mạng đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của thế hệ trẻ hiện nay. Nhiều người trong số họ không có nhu cầu tương tác ở cuộc sống thực. “Xã hội truyền thống thường có nhu cầu cao trong các hoạt động tương tác như thăm bạn bè, họ hàng, tổ chức sự kiện. Chúng ta dựa vào những mối liên kết xã hội được xây dựng theo cách này mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống”, Giáo sư Guan giải thích. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây, nếu muốn chuyển nhà, họ có thể đặt dịch vụ trên ứng dụng, thay vì nhờ bạn bè, người thân. Giáo sư Guan cảnh báo các kết nối trực tuyến “rất yếu và ảo” so với tương tác ngoài đời.

NGỌC MINH

Tags: Trung Quốc
Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết