Nhà sản xuất phim "Vầng trăng thơ ấu" mong muốn có thể chiếu rộng rãi như "Đào, phở và piano"
Theo dự tính ban đầu, phim điện ảnh "Vầng trăng thơ ấu" sẽ ra mắt khán giả từ ngày 17-5-2024 tại các cụm rạp trên toàn quốc. Tuy nhiên kế hoạch này đã phải dời lại vì chưa kịp tiến độ, sau đó chờ thẩm định và giấy phép phổ biến phim.
"Vầng trăng thơ ấu" được đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum chuyển thể dựa trên kịch bản cùa tác giả Đặng Thị Thanh Bình. Kịch bản phim từng giành giải Ba cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020" do Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL tổ chức. Phim được Công ty cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 134 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024). Những thước phim làm về một phần quan trọng trong cuộc đời của Bác Hồ khi Người còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Nghiêm vào Huế lần đầu tiên để sinh sống.
Đại diện đơn vị sản xuất tiết lộ, phim có bối cảnh quay ở Nghệ An và Huế, tuy nhiên thời điểm êkip quay ở Huế thì vào đúng lúc mưa lũ nên tiến độ phần nào bị chậm lại, dẫn tới việc chưa kịp cấp phép như dự định ban đầu vào ngày 17-5-2024.
Mới đây, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, phim "Vầng trăng thơ ấu" đã chính thức được cơ quan chức năng cấp phép phổ biến. Phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất và trước mắt sẽ được đưa vào chiếu tại các sự kiện tuần phim, đợt phim phục vụ mục đích chính trị. Việc phát hành phim rộng rãi tại các cụm rạp thì cần có sự cho phép của Bộ VHTT&DL.
Về phía Công ty Cổ phần phim Giải Phóng, đơn vị này chia sẻ, sau khi nhận được giấy phép phổ biến, phát hành phim, đơn vị này dự kiến sẽ có buổi chiếu không doanh thu vào ngày 5-6 tới, sau đó sẽ gửi công văn tới Bộ VHTT&DL xin ý kiến về việc chiếu rộng rãi, có bán vé bộ phim ở ngoài rạp để phục vụ đông đảo khán giả, giống như phim "Đào, phở và piano". "Bộ phim kể về thời niên thiếu của Bác Hồ, mà hiện nay rất thiếu các phim thiếu nhi, kể từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến bây giờ mới có một phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng. Đặc biệt, đơn vị phát hành phim Mega GS cho biết, hiện có khoảng 100 rạp chiếu phim sẵn sàng nhận chiếu "Vầng trăng thơ ấu".
Đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum chia sẻ, những thước phim sẽ phác họa hình ảnh thời niên thiếu của Bác với hình ảnh một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường, có không ít trò đùa nghịch như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hư cấu nhưng đều dựa trên những tư liệu xác đáng và tin cậy. Một trong những tiêu chí hàng đầu với diễn viên tham gia diễn xuất trong phim là phải nói tiếng địa phương và khi diễn thì sẽ thu thanh trực tiếp. Ngoài 2 diễn viên Trần Việt Bắc đảm nhận vai ông Nguyễn Sinh Sắc và Ngô Lệ Quyên đảm nhận vai bà Hoàng Thị Loan đều có liên quan đến nghệ thuật và nói được tiếng địa phương, thì 5 thiếu nhi được tuyển chọn từ trường Phổ thông là: Phạm Hữu Đại (vai Nguyễn Sinh Cung), Lưu Văn An (vai Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Ngọc Kim Ngân (Anh Thư), Bùi Nguyễn Hoàng Phúc (Kiệt), Nguyễn Hồ Nhật Minh (Hào) đều lần đầu tiên được đóng phim.
Trong quá trình làm phim, êkip đã có cơ hội được quay gần hết bối cảnh của thành nội Huế, chỉ trừ hai điểm là Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa do đang trong quá trình tu sửa. Chính vì những bối cảnh thật này đã giúp đoàn phim luôn có cảm giác thoải mái, tạo cảm xúc chân thật, bám sát kịch bản, tái hiện phần nào thực tế lịch sử cùng những câu chuyện về cậu bé Sinh Cung. Ngoài ra đoàn còn phải phục dựng một số bối cảnh như: khu chợ nhỏ ở làng cổ Phước Tích, Đàn Nam Giao, Miếu Âm Hồn, cảnh sinh hoạt trong kinh thành. Tất cả những đại cảnh lớn trong phim đều có sự kết hợp với công nghệ, kỹ xảo.
Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...