Người trẻ say nghệ thuật chèo truyền thống
Lâu nay, nhiều người thường nghĩ giới trẻ thờ ơ với nghệ thuật dân tộc, tuy nhiên, từ Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” đã chứng minh thực tế khác. Gần 10 năm qua, các bạn trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo một cách tự nguyện, hào hứng, đó là bởi dự án đã tạo được một lối đi mới, cách tiếp cận mới.
Một buổi tối cuối tuần trong căn hộ tập thể ở khu Kim Liên (Hà Nội), tiếng trống chèo giục giã vang lên, sân khấu được trải một chiếc chiếu cói và Trịnh Thị Hồng Hạnh, sinh viên Lớp Diễn viên chèo K39 (năm thứ tư), Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, hóa thân vào vai Xúy Vân để diễn trích đoạn chèo kinh điển “Xúy Vân giả dại” trong vở chèo cổ “Kim Nham”. Hồng Hạnh từng đoạt giải nhất Cuộc thi tài năng sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc năm 2022 của nhà trường.
Cùng với mong muốn bản thân ngày càng phát triển trong sự nghiệp làm nghệ thuật, Hồng Hạnh cũng mong rằng nghệ thuật chèo sẽ không chỉ có khán giả là những người cao tuổi mà còn có cả những khán giả trẻ. “Em sẽ cố gắng hết mình, giữ gìn nghệ thuật truyền thống để giới thiệu và quảng bá đến khán giả”, Hồng Hạnh bày tỏ. Trong buổi diễn đó, cùng với Nguyễn Xuân Long đánh trống (học cùng trường với Hồng Hạnh), hai nghệ sĩ trẻ đã lôi cuốn khán giả hòa vào workshop “Múa chèo” của Dự án "Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương" bằng sự trẻ trung, gần gũi và sáng tạo của thế hệ gen Z.
Các bạn trẻ hào hứng học múa quạt trong trích đoạn “Xúy Vân giả dại” với sự hướng dẫn của sinh viên Trịnh Thị Hồng Hạnh. Ảnh: XUÂN LONG |
Xuất phát từ niềm say mê với nghệ thuật dân tộc, Đinh Thị Thảo (sinh năm 1992), giảng viên dạy piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã kết hợp với một nhóm bạn trẻ thành lập Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương”. “Chúng tôi kết nối với nhau qua Cuộc thi “Ý tưởng tôi 20”, rồi cùng chung niềm đam mê, cùng nhau đi tìm sân chơi cho riêng mình. Ban đầu chỉ là ý tưởng về sân chơi văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ, sau đó mới phát triển để tạo thành một sân chơi về giáo dục văn hóa truyền thống”, Thảo chia sẻ.
Dự án được chia làm hai mảng: Chèo khám phá và chèo trải nghiệm. Sau khi tìm hiểu nguồn gốc, đặc trưng, kỹ thuật cơ bản của chèo dân gian thông qua hoạt động tương tác; thực hành kỹ thuật hát chèo, múa chèo cơ bản dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chèo; làm quen với trang phục, nhạc cụ trong chèo, các học viên được trực tiếp tham gia trích đoạn chèo, khám phá những chuyện đằng sau sân khấu chèo, ghé thăm cái nôi của chèo...
"Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương" có sự giúp đỡ của Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình, nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha, đạo diễn Lê Tuấn Cường, nghệ nhân trẻ Ngô Văn Hảo... Nghệ sĩ Khương Cường, giáo viên của dự án nhận xét: “Đây là dự án thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc. Dự án có nhiều bạn trẻ tham gia, điều đó cho thấy, nếu chúng ta có cách làm khoa học thì nghệ thuật dân gian sẽ không bị mai một và người trẻ không thờ ơ”.
Trải qua gần 10 năm thực hiện, Dự án “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” tới nay đã tổ chức thành công hơn 20 khóa học với các bộ môn nghệ thuật cổ truyền như chèo, xẩm, chầu văn; cùng hơn 60 chương trình trải nghiệm sáng tạo tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400.000 học viên và khán giả trong, ngoài nước, như: “Không gian nguồn cội”; “Young Culture day”; “Về nguồn”; “Gala tôi chèo về quê hương”; chuỗi workshop “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Múa chèo”...
Các chương trình này đã đón nhận sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của những người đam mê nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các bạn trẻ. Không dừng lại ở lứa tuổi sinh viên, người đi làm, “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” còn đến với các em học sinh. Lê Minh Nhựt Thảo, thành viên của dự án chia sẻ: Với lứa tuổi học sinh, dự án tổ chức các khóa giới thiệu ngắn về chèo, trại hè, các buổi trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống. Khi mở rộng về đối tượng tham gia, dự án đã phát triển thêm những hoạt động gắn với du lịch, tổ chức show diễn có sự kết nối với các tour du lịch.
Ngoài ra, với hơn 3.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, “Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương” đã xây dựng và duy trì mạng lưới với nhiều trường học, cơ quan văn hóa-nghệ nhân và nghệ sĩ có chuyên môn lâu năm. “Dự án mong có thể thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia và trải nghiệm hơn vào các hoạt động truyền thống, ở những góc độ sân khấu, lịch sử, văn hóa... để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo, phát huy lòng tự hào về truyền thống của dân tộc”, Đinh Thị Thảo chia sẻ.
ĐÌNH CHUNG