• :
  • :

Hiện thực giấc mơ xuất khẩu phim hoạt hình Việt

Phim hoạt hình “Giấc mơ gỏi cuốn” của đạo diễn trẻ Mai Vũ (Việt Nam) vượt qua 1.512 ứng viên để đoạt giải ở hạng mục La Cinéf (Tìm kiếm tài năng mới) tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2022, đã khẳng định tiềm năng phát triển của phim hoạt hình Việt Nam.

Đa sắc trên màn ảnh

Trình chiếu lần đầu tiên và đoạt giải tại LHP Cannes 2022 hồi cuối tháng 5, đến nay “Giấc mơ gỏi cuốn” và đạo diễn Mai Vũ (tên thật là Vũ Thị Phương Mai, sinh năm 1992 tại TP Hồ Chí Minh) vẫn đang "chu du" ở nhiều nước châu Âu, tham gia các LHP quốc tế cũng như công chiếu phục vụ khán giả. Theo đạo diễn Mai Vũ: Phim đã nhận hợp đồng phát hành tại gần 10 quốc gia cũng như các hãng phát hành phim, kênh truyền hình của thế giới. Dự định mùa thu năm nay, phim sẽ phát hành tại Việt Nam.

Nghi thức hầu đồng - giá trị văn hóa Việt Nam được đưa vào bộ phim hoạt hình “Tàn thể: Tiền truyện”.Ảnh: DeeDee Animation Studio.

“Giấc mơ gỏi cuốn” (Spring Roll Dream) là bộ phim hoạt hình dài 9 phút, xoay quanh một gia đình người Việt tại Mỹ. Đạo diễn đặt tác phẩm trong bối cảnh khác biệt văn hóa phương Tây và phương Đông. Ở đó người trẻ muốn xây dựng tính cách riêng biệt, còn người già khó khăn trong việc hòa nhập với thế giới mới. Bộ phim sử dụng kỹ thuật stop-emotion (hoạt hình tĩnh vật). Đây là kỹ thuật phim dựa trên các nhân vật được xây dựng bằng việc ghép chuỗi động tác với nhau, liên tục, giúp người xem cảm giác các nhân vật như đang chuyển động. Khi được hỏi về việc tại sao lại chọn đề tài này, đạo diễn Mai Vũ cho hay: "Thông qua bộ phim để kể câu chuyện văn hóa, ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế".

Những năm trở lại đây, tên của cá nhân hay nhóm sáng tạo người Việt trong những dự án hoạt hình tầm cỡ để công chiếu rạp hoặc phát hành ra thế giới không còn là điều hiếm lạ. “Giấc mơ gỏi cuốn”, hay trước đó như: Hoạt hình 3D “Những đứa con của rồng”, “Xin chào bút chì”, “Wolfoo”, “Cậu bé cờ lau”... đều minh chứng rằng hoạt hình Việt Nam không thiếu tay nghề kỹ thuật chuẩn quốc tế, lại càng không thiếu những bộ óc sáng tạo nhanh nhạy với xu thế toàn cầu.

Đóng góp nhiều bộ phim nâng tầm hoạt hình Việt Nam trong những năm gần đây không thể không kể đến DeeDee Animation Studio. Sản phẩm của DeeDee hướng đến đa dạng đối tượng, theo xu thế “hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em” mà các hãng phim thế giới đã và đang khai thác mạnh mẽ. Năm 2019, đơn vị này sản xuất phim “Đại vương, xin hãy tiết chế”, khai thác sự kiện cướp dâu của Hưng Đạo Đại vương, khơi dậy hứng thú tìm hiểu lịch sử nhờ cách kể chuyện dí dỏm và tạo hình nhân vật vừa hài hước, vừa duyên dáng; đồng thời hãng ra mắt series phim ngắn “Dịch vụ quỷ sứ”, châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội. Mới đây, hãng trình làng series “Yêu Kiều” phiên bản hoạt hình. Nội dung “Yêu Kiều” nhận đánh giá tích cực, đan xen hài hòa giữa hài kịch và bi kịch để khán giả dễ tiếp nhận mà vẫn không làm mất đi tinh thần của nguyên tác “Truyện Kiều”. Bên cạnh đó cũng có các đơn vị như: Colory Animation với phim 3D “Dưới bóng cây”, “Con rồng cháu tiên”; Red Cat với “Chúng ta là người Việt Nam”, “U linh tích ký”... Hầu hết các dự án phim hoạt hình lấy cảm hứng từ lịch sử hào hùng của dân tộc, cổ tích dân gian để truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, văn hóa truyền thống.

Để phim Việt vươn xa

Nổi tiếng nhờ “Hột vịt lộn” và “Dưới bóng cây” nhưng với đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn (sinh năm 1987) và ê-kíp của Colory Animation, đó là những dấu ấn đã đi qua. Mới đây, Anh Tuấn đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài phát hành phim hoạt hình 3D “Cùng là dũng sĩ” 52 tập trên YouTube và kênh truyền hình, thu về hàng tỷ đồng. Theo Anh Tuấn, nếu như Hollywood DreamWorks nổi tiếng vì phong cách vui nhộn hài hước, Disney với thế giới cổ tích của các công chúa, hoàng tử... Việt Nam đi sau nhưng không có nghĩa là không thể cạnh tranh trên sân chơi lớn này.

Giám đốc DeeDee Animation Studio Đặng Hải Quang thẳng thắn nhận định: “Thế giới vẫn chưa biết đến phim hoạt hình Việt Nam như một địa chỉ có những họa sĩ, đạo diễn tốt có thể làm phim chất lượng, mà chỉ nghĩ đây là thị trường rất nhỏ, không đáng để nhắc tới”. Lấy ví dụ về chính trải nghiệm của DeeDee, năm 2019, đơn vị này ra mắt bộ phim hoạt hình “Tàn thể: Tiền truyện” nhận được phản hồi tích cực từ công chúng, giành nhiều giải thưởng tại một số liên hoan phim uy tín (như giải Phim 2D xuất sắc nhất tại Khem Animation Film Festival, Hoa Kỳ; lọt vào chung kết tại Montreal International Animation Film Festival-Animaze, Canada...), phát hành tại Italy, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, theo ông Đặng Hải Quang, tiếng vang đó chưa đủ giải tỏa định kiến: “Khi ra quốc tế kêu gọi vốn hay đấu thầu dự án phim, hầu như các nhà đầu tư nước ngoài thấy tên của Việt Nam là bỏ qua. Bởi nhìn ngay trong khu vực Đông Nam Á có Philippines, Thái Lan, Malaysia là những nước có nền công nghiệp hoạt hình khá phát triển. Họ đã gia công cho những hãng phim như Disney, Pixar... từ 20 đến 30 năm nay. Họ có tích lũy chuyên môn và trình độ, nguồn dữ liệu riêng đáp ứng được thị trường cung-cầu, điều mà rất khó để trong thời gian ngắn Việt Nam có thể sánh ngang”.

Không thể một sớm một chiều sánh ngang với những nước có nền tảng làm phim hoạt hình vững chắc, nhưng theo các nhà sản xuất, cánh cửa cơ hội đang mở ra. Để làm được, theo ông Đặng Hải Quang, khâu cốt lõi là nguồn nhân lực; thứ hai là tư duy về đường hướng phát triển của phim hoạt hình Việt; thứ ba là chính các xưởng phim tư nhân phải nỗ lực hòa nhập với quốc tế.

CHÂU XUYÊN

Tags: qdnd
Lượt xem: 141
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết