• :
  • :

Hạnh phúc của nghệ sĩ - cô giáo Diệu Thảo

Diệu Thảo được biết đến từ vai Thảo-nữ sinh lớp 12 xinh đẹp, hiền lành ra thành phố ôn thi đại học trong phim truyền hình “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, phát sóng năm 2001.

Hơn 20 năm trôi qua, Diệu Thảo vẫn được nhiều khán giả nhận ra dù ít xuất hiện trên phim ảnh, bởi cô đang có niềm hạnh phúc khác, đó là theo đuổi sự nghiệp với cây đàn tỳ bà.

Nhớ lại thuở ban đầu đi đóng phim “Phía trước là bầu trời”, cô giáo Diệu Thảo (hiện là giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) vẫn giữ nụ cười trong trẻo, dịu dàng kể, ngày đó, Thảo mới 13 tuổi, đang học đàn trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, may mắn vai diễn đầu tiên đã ghi điểm với đoàn làm phim và khi công chiếu, đông đảo khán giả đã nhớ luôn.

Nghệ sĩ Diệu Thảo bên cây đàn tỳ bà. 

Sinh ra ở Hà Nội, từ nhỏ, Diệu Thảo đã đam mê âm nhạc. Được gia đình tạo điều kiện, Diệu Thảo học nhiều loại đàn, từ đàn đá, đàn bầu, sáo trúc đến nhạc cụ phương Tây là piano, nhưng cuối cùng lại chọn đàn tỳ bà-cây đàn được ví như “nữ hoàng của các nhạc cụ dân gian”-để phát triển con đường nghệ thuật và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mình.

Sau những giờ lên lớp giảng dạy, có thời gian khán giả gặp Diệu Thảo trên một số kênh truyền hình hoặc các chương trình nghệ thuật qua vai trò MC, biểu diễn trong dàn nhạc dân tộc, đôi khi là chơi độc tấu đàn tỳ bà... Ở vị trí nào Diệu Thảo cũng để lại ấn tượng với công chúng, nhất là hình ảnh cô nghệ sĩ xinh đẹp chơi đàn tỳ bà với những bản nhạc trong sáng, vui tươi, đậm chất trữ tình.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Chỉ huy trưởng Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nhận xét: “Kỹ thuật gảy đàn tỳ bà có độ khó khá cao, là một trong những loại nhạc cụ dân gian có sức biểu cảm phong phú nhất, lịch thiệp và hàm chứa thông điệp không thể diễn tả bằng lời. Chọn và gắn bó với cây đàn, Diệu Thảo là một trong số ít những nghệ sĩ trẻ khẳng định tài năng cũng như nâng cao ý thức bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp, những thanh âm chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của đàn tỳ bà tới công chúng”.

Diệu Thảo cho biết, hiện tại, vì muốn chuyên sâu hơn cho công việc chuyên môn, Thảo chỉ tham gia biểu diễn với Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam của nhà trường và chơi đàn trong nhóm nhạc dân tộc Thăng Long.

Nhiều đoàn làm phim vẫn gửi lời mời Diệu Thảo tham gia các dự án, song cô muốn dành thời gian nhiều hơn cho công việc tại học viện; mở thêm các lớp dạy đàn tỳ bà.

Diệu Thảo tâm sự: “Mười mấy năm qua, ngoài công tác trên giảng đường, tôi đã làm cô giáo của các lớp học khác ngoài nhà trường. Tôi chào đón và tạo điều kiện cho học sinh thuộc mọi lứa tuổi và đối tượng, kể cả những bạn không có điều kiện kinh tế, miễn là đam mê với đàn tỳ bà. Không gian mà tôi tạo ra cũng gần gũi, thân thiện. Các bạn học sinh đến lớp được trò chuyện “cô cô, con con” rất tình cảm để các bạn không thấy "sợ" cô. Lớp học của tôi giống một gia đình, giống như đoàn làm phim “Phía trước là bầu trời”. Nhiều bé thường xuyên đòi bố mẹ cho đến lớp vì nhớ cô. Điều đó trở thành niềm vui, niềm hạnh trong cuộc sống của tôi”.

Bài và ảnh: NGUYÊN HÀ

Lượt xem: 52
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết