Giới trẻ Trung Quốc chi tiền để được trò chuyện trên mạng xã hội
Ở Trung Quốc, giới trẻ ngày càng sử dụng mạng xã hội không chỉ để kết nối với bạn bè mà còn để thuê người lạ để trò chuyện.
Khi các mối quan hệ đời thực dần trở nên xa cách, người dùng mạng xã hội Xiaohongshu đã bắt đầu sử dụng hashtag "bầu bạn tâm sự" để tìm đến dịch vụ trò chuyện cùng người lạ.
"Có ai rảnh để trò chuyện không? Tôi sẽ trả bất cứ giá nào", một tài khoản mới đăng bài kèm hashtag gần đây. Trong vòng vài giờ, bài đăng đã nhận được hàng chục phản hồi từ những nhà cung cấp dịch vụ trò chuyện.
Hashtag này đã thu hút hàng triệu lượt xem trong vài năm qua, cho thấy người Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chi tiền để xua tan nỗi cô đơn, một phần trong sự gia tăng trào lưu "tiêu dùng theo cảm xúc". Khi dân số độc thân của đất nước tăng vọt, các dịch vụ kết bạn có phí cũng ngày càng xuất hiện, từ trò chuyện với người lạ trực tuyến đến trò chơi nhập vai ảo.
Bà Wang Pan, phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales, cho biết nền kinh tế kết bạn đang phát triển mạnh mẽ này là "phản ứng trước sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc". Theo điều tra dân số gần đây nhất của Trung Quốc, số người chưa kết hôn trong độ tuổi từ 20 đến 49 đã đạt 134 triệu người vào năm 2020, nhiều hơn toàn bộ dân số Nhật Bản.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn tại Trung Quốc đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua, với chỉ 4,75 triệu cặp đôi kết hôn trong ba quý đầu năm nay, mức thấp kỷ lục.
Điều đó đã mở ra cánh cửa cho ngành công nghiệp kết bạn đang phát triển, từ chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đến những người cosplay cung cấp dịch vụ gặp mặt trực tiếp mất phí.
Vài năm trở lại đây, giữa những bước tiến vượt bậc trong AI, các chatbot với tính cách tùy chỉnh đã nổi lên như một phương tiện ngày càng phổ biến đối với những người trẻ Trung Quốc tìm kiếm bạn đồng hành kỹ thuật số. Các chatbot này cung cấp tương tác kỹ thuật số giống con người hơn so với những chatbot trước đây.
"Thông qua các công nghệ kỹ thuật số này, trẻ em có thể đắm mình vào thế giới tưởng tượng của mình và thích xây dựng mối quan hệ với những nhân vật này", bà Wang cho biết.
Các doanh nghiệp lớn không phải là bên duy nhất hưởng lợi từ những trái tim cô đơn của người Trung Quốc, mà những cá nhân cung cấp dịch vụ bầu bạn mất phí cũng có lợi nhuận.
Li Shuying, một sinh viên 18 tuổi, gần đây đã đăng quảng cáo trên Xiaohongshu nói rằng cô ấy sẵn sàng tham gia những cuộc trò chuyện như vậy. "Tôi chỉ muốn kiếm tiền", cô nói. "Tôi nghĩ đây là công việc dễ dàng và ít rắc rối nhất".
Trên Xiaohongshu, người dùng cung cấp dịch vụ bầu bạn tâm sự thường tính phí từ 8 nhân dân tệ đến hơn 50 nhân dân tệ (khoảng 28 đến 175 nghìn VNĐ) cho một cuộc trò chuyện kéo dài 30 phút. Li, với thời gian rảnh rỗi, đã tự đưa mình vào phân khúc thị trường thấp hơn.
Khách hàng của Li hầu hết là nam giới, đôi khi là những cô gái tuổi teen muốn trút bầu tâm sự về bạn cùng lớp. Li cho biết nhiều khách hàng đưa ra yêu cầu có hàm ý lãng mạn, nhưng một số khách chỉ đơn giản muốn có một người bạn đồng hành thân thiện.
Đối với bà Wang, sự phổ biến của các cuộc trò chuyện với người lạ phản ánh sự mất kết nối ngày càng tăng trong xã hội Trung Quốc.
Bà cho biết: "Các mối quan hệ đã trở nên đa dạng hơn, linh hoạt hơn và ngày càng mang tính thương mại hóa". Do đó, bà dự đoán nền kinh tế bầu bạn có khả năng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc trong thời gian tới, đặc biệt là nếu tỷ lệ kết hôn vẫn tiếp tục giảm.
"Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng nhu cầu cần một người bạn của những người độc thân và những người cảm thấy cô đơn", bà nói. "Sẽ có nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn được phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhóm nhân khẩu học mới".
Hoài Phương (theo SCMP)