• :
  • :

Giai đoạn nào điện ảnh Việt Nam cũng có dấu ấn

Bắt đầu sự nghiệp điện ảnh từ năm 1957 và vẫn còn tiếp tục cho đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đạo diễn Đặng Nhật Minh nói, đã chứng kiến quá trình phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Các tác phẩm điện ảnh ở mỗi giai đoạn đều phản ánh nhiều biến động từ nhiều khía cạnh của đời sống, văn hóa và con người Việt Nam.

Phóng viên (PV): Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng điện ảnh thời bao cấp đã lỗi thời và không còn giá trị trong bối cảnh hiện đại?

NSND Đặng Nhật Minh: Thời nào cũng có cái hay, có giá trị đối với điện ảnh. Thời bao cấp hay sau bao cấp, kinh tế thị trường cũng có cái hay. Quan trọng là thời nào thì điện ảnh Việt Nam cũng có những thành tựu nhất định.

Tôi từng chứng kiến có người nhắc đến điện ảnh Việt Nam thời bao cấp với giọng châm biếm, giễu nhại. Nhưng thời bao cấp lại có những bộ phim bây giờ trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Hay có người nói phim thời bao cấp của Việt Nam chỉ để tuyên truyền. Đúng là có tuyên truyền, nhưng là tuyên truyền lòng yêu nước, tự tôn dân tộc... Nhưng không phải tất cả, chẳng hạn như phim “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang”, “Con chim vành khuyên”... thì đâu chỉ dừng lại ở tuyên truyền. Đó là những tác phẩm nghệ thuật kinh điển có giá trị vững bền, không chỉ Việt Nam mà người làm phim thế giới còn ngưỡng mộ khi nhắc đến. 

 Hình ảnh trong bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

PV: Nhìn về nền điện ảnh nước nhà, về hành trình làm điện ảnh hơn 6 thập niên của mình, ông có gì nuối tiếc, hay muốn làm bộ phim nào đó mà vẫn chưa làm được không?

NSND Đặng Nhật Minh: Với điện ảnh nước nhà, có thể thấy rõ Việt Nam đã có một nền điện ảnh vinh quang. Vinh quang ở chỗ là môn nghệ thuật “sinh sau đẻ muộn” so với thế giới, nhưng các nhà điện ảnh Việt Nam đã làm ra được các bộ phim mà đến bây giờ khi nhắc đến luôn thấy xao xuyến, xúc động.

Với cá nhân tôi, khi làm bộ phim truyện điện ảnh “Hoa nhài”, công chiếu năm 2022, năm đó tôi đã 84 tuổi, vì thế không có gì tiếc nuối cả, không có gì ân hận nữa. Mỗi bộ phim của tôi là sự cống hiến hết mình, bằng niềm đam mê và trách nhiệm của mình với nền điện ảnh nước nhà. Trong suốt nhiều năm làm điện ảnh, không có một phút nào tôi đi chệch ý nghĩa cống hiến. Tôi không bao giờ nghĩ rằng điện ảnh là phương tiện để mình kiếm tiền, thu về lợi nhuận cá nhân. Tôi không làm phim chạy theo trào lưu.

Tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì đã được đóng góp cho nền điện ảnh suốt từng ấy năm, hàng chục bộ phim do chính mình viết kịch bản. 

PV: Với ông, điện ảnh là một phương thức biểu đạt như thế nào để truyền tải những điều mình muốn nói?

NSND Đặng Nhật Minh: Mỗi bộ phim của tôi kể một câu chuyện khác nhau, song điểm chung là những chuyện xảy ra ở Việt Nam, gắn liền với đất nước, dân tộc, trong một giai đoạn nhất định, một bối cảnh xã hội nhất định. Cho nên khi xem phim của tôi thì người ta có thể biết được bối cảnh xã hội của cái thời mà phim đề cập tới. Ví dụ, phim “Mùa ổi” gắn liền với giai đoạn cải tạo nhà cửa, cải tạo công-thương nghiệp; phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” kể về đời sống nội tâm phức tạp của những người sống ở hậu phương thời kỳ chiến tranh...

Tất nhiên, những đóng góp của tôi cho nền điện ảnh Việt Nam là hết sức nhỏ bé so với thành tựu chung của cả một đội ngũ những người làm điện ảnh Việt Nam, với những tên tuổi trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào của điện ảnh Việt, như: Trần Vũ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Hồng Sến...

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của điện ảnh nước nhà trong bối cảnh hội nhập và những người làm phim hiện nay?

NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có lớp người trẻ. Họ tiếp cận được với ngôn ngữ điện ảnh thế giới, giành những giải thưởng quan trọng của liên hoan phim quốc tế. Đây là kết quả của việc mở cửa. Người trẻ hiện nay có điều kiện thuận lợi là được tiếp xúc với các nền văn minh điện ảnh của quốc tế qua các chương trình đào tạo, hội chợ, liên hoan phim quốc tế... Tôi luôn tin tưởng ở lớp trẻ hiện nay và mong chờ họ sẽ có nhiều bứt phá trong cống hiến, sáng tạo để làm phong phú thêm cho “di sản” điện ảnh dân tộc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU XUYÊN (thực hiện)

Lượt xem: 7
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...