• :
  • :

Chuyên gia nhận định việc ILLIT sao chép NewJeans là vấn đề nghiêm trọng

ILLIT có phải là bản sao NewJeans không? Vấn đề không chỉ dừng lại ở đạo văn hay sao chép, mà các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, “concept" (khái niệm, ý tưởng chủ đạo) của họ giống nhau, và ngày càng có nhiều lời chỉ trích rằng, cần phải có sự bảo vệ pháp lý cho việc này.

Chuyên gia nhận định việc ILLIT sao chép NewJeans là vấn đề nghiêm trọng

ILLIT bị tố sao chép NewJeans. Ảnh: Naver

Sao chép ý tưởng chủ đạo là một vấn đề lớn

Min Hee Jin - CEO công ty ADOR và là nhà sản xuất chính của NewJeans trực tiếp tuyên bố: “ILLIT sao chép NewJeans trong mọi lĩnh vực hoạt động giải trí, từ làm tóc, trang điểm, trang phục, vũ đạo, ý tưởng chụp hình, quay video và xuất hiện trong các sự kiện”.

Theo Sports Kyunghyang, nhiều chuyên gia trong ngành âm nhạc đều đồng tình với những điểm tương đồng giữa New Jeans và ILLIT.

Giám đốc điều hành của một công ty âm nhạc cho biết: “Cốt lõi của một thần tượng là concept (khái niệm, ý tưởng chủ đạo). Ngay cả khi các chi tiết có khác nhau nhưng nếu concept tổng thể giống nhau thì đây có thể coi là hành vi vi phạm rõ ràng”.

Một đại diện công ty âm nhạc khác cũng cho biết: “Bỏ qua việc những chi tiết giống nhau sang một bên, nếu một nhóm có ý tưởng chủ đạo tương tự trong cùng công ty mẹ ra mắt vào tháng 3 rồi quảng bá vào tháng 4 và một nhóm khác quay trở lại vào tháng 5, thì đó là sai lầm trong việc lập kế hoạch, dù ý định của việc này có là gì đi nữa”.

ILLIT bị tố sao chép NewJeans ngay cả ở những ý tưởng chủ đạo. Ảnh: Naver

ILLIT bị tố sao chép NewJeans ngay cả ở những ý tưởng chủ đạo. Ảnh: Naver

Giám đốc Tiếp thị của một thương hiệu toàn cầu cho biết: “Tôi nghĩ tranh cãi về sự giống nhau giữa hai nhóm là một vấn đề vượt xa những ý tưởng tương tự. ILLIT dường như đã “theo dấu chân" công thức thành công của New Jeans.

Họ không thể bỏ qua được cảm giác rằng, nhóm đã sao chép công thức của NewJeans từ 1 đến 10, từ cảm giác cổ điển của Y2K, cho đến cảm giác trẻ trung của tuổi teen, hình ảnh tông màu pastel mơ màng và thậm chí cả chiến lược tiếp thị của nhóm.

Bản thân việc tham khảo là một phương pháp thường được sử dụng trong quá trình lập kế hoạch thương hiệu, nhưng trong trường hợp của ILLIT, nó vượt xa cấp độ này”.

Giám đốc này nói thêm: “HYBE đang tuyệt vọng khi tuân theo công thức thành công một cách mù quáng, từ bỏ niềm tự hào và lương tâm tối thiểu mà một người sáng tạo nên có.

HYBE với tư cách là một công ty giải trí toàn cầu, phải chịu trách nhiệm, tôn trọng sự sáng tạo của các nghệ sĩ và thiết lập chiến lược thương hiệu có thể làm nổi bật nét quyến rũ riêng của mỗi nhóm, thông qua sự đổi mới và khác biệt không ngừng, thay vì chỉ đơn giản là sao chép một công thức thành công”.

Chỉ trích “ILLIT là bản sao NewJeans” ngày càng gia tăng. Ảnh: Naver

Chỉ trích “ILLIT là bản sao NewJeans” ngày càng gia tăng. Ảnh: Naver

Điểm mù của pháp luật

Một số người chỉ ra rằng, sự giống nhau giữa ILLIT và NewJeans thực chất là một “điểm mù” của pháp luật.

Noh Jong Eon, Giám đốc điều hành của một công ty luật, cho biết: “Không có điều khoản hiệu quả và phù hợp nào trong thỏa thuận cổ đông, cho phép công ty con tự bảo vệ mình trước hành động của công ty mẹ trong trường hợp công ty mẹ (HYBE), sao chép công ty con (ADOR). Vì vậy, ngay cả khi ý tưởng và vũ đạo bị đánh cắp, chắc chắn sẽ khó phòng thủ một cách thực tế”.

Giám đốc Noh khẳng định: “Đây là một trong những điểm mù trong hợp đồng giữa các cổ đông, khiến người ta đánh giá là thiếu kỷ luật trong lĩnh vực này. Thậm chí, trong trường hợp điều hành một nhãn hiệu bên thứ 3, việc công ty mẹ ăn cắp ý tưởng công ty con là điều chưa từng có và khó lường.

Do cấu trúc cơ bản của luật thương mại Hàn Quốc được quy định tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống, nên đúng là có rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ sự sáng tạo của một nhãn hiệu".

Cuối cùng, Giám đốc Noh nói: “Không giống như âm nhạc, ý tưởng và vũ đạo hiện đang nằm trong điểm mù của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngay cả khi ý tưởng nhãn hiệu giống nhau, các nhãn hiệu trong ngành trò chơi có tỉ lệ sở hữu trí tuệ cao hơn so với các nhãn hiệu trong ngành thời trang. Đây là một ví dụ về việc bị lạm dụng”.