Cái khó của nhà tuyển dụng khi livestream giờ kiếm bạc tỷ, người trẻ sẵn sàng "xếp xó" bằng ĐH, từ bỏ công việc văn phòng
Trước sự phát triển như vũ bão của nghề livestream, liệu tư duy lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ có bị ảnh hưởng?
Lướt một vòng quanh TikTok, Facebook... dù muốn hay không, bạn vẫn dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ đang thi nhau livestream bán một mặt hàng nào đó. Khác với thì quá khứ, ở thì hiện tại bạn có thể mua bất cứ thứ gì trên các nền tảng mạng xã hội. Từ những mặt hàng nhỏ nhất như: mớ nhau, thớ thịt... đến vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như mỹ phẩm, thuốc thang... thậm chí là cả trang sức quý giá, nhà cửa cũng có thể "chốt đơn" trên livestream.
"Nhanh tay áp mã voucher thôi nào", "Mình xin nhãn hàng mãi với có mấy mã giảm giá cho mọi người" ,... suốt mấy tiếng đồng hồ "gào thét" trên các phiên live như thế, những người livestream có thể thu về tiền tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng doanh thu - một con số mơ ước đối với nhiều người. Đương nhiên, người bán hàng sẽ không "bỏ túi" tất cả, nhưng đó vẫn là số thu nhập mơ ước trong mấy tiếng làm việc.
Được coi như "mỏ vàng" đầy tiềm năng khai thác, nhiều bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng "đổ xô" đi làm... nghề livestream. Người người livestream, nhà nhà livestream, vừa đi làm công việc văn phòng vừa tranh thủ livestream ngoài giờ, thậm chí không ít trường hợp sẵn sàng gác tấm bằng đại học sang một bên, tập tành "khởi nghiệp" bằng livestream ngay từ đầu. Việc người trẻ sẵn sàng từ bỏ một công việc văn phòng sang bán hàng online liệu có tạo ra sự dịch chuyển nguồn nhân lực, dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực ở một số lĩnh vực truyền thống và sự bão hòa ở lĩnh vực mới nổi này?
Để có câu trả lời về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ, hiện là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là một Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế.