• :
  • :

'Áp lực đồng trang lứa' đè nặng cuộc sống của giới trẻ hiện đại

Áp lực đồng trang lứa có thể là động lực thúc đẩy người trẻ không ngừng chinh phục những thử thách mới, nhưng cũng đồng thời là những “cơn sóng thần” nhấn chìm họ khi cố đuổi theo những hình mẫu mơ hồ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Vòng xoáy áp lực

Việc đầu tiên Đức Hải (19 tuổi) làm khi thức dậy lúc 6h mỗi sáng là pha cho mình một cốc cafe đen để sẵn sàng cho một ngày dài bận rộn. Hầu như ngày nào cũng tất tả từ sáng sớm đến tối khuya khi vừa đi học vừa đi làm, vừa học thêm ngoại ngữ, tham gia câu lạc bộ và làm một dự án về truyền thông, nhưng với cậu sinh viên Đại học Thương Mại, như thế vẫn dường như chưa đủ.

“Em còn muốn tham gia một vài dự án nữa mà quỹ thời gian không cho phép. Nhiều bạn còn có lịch trình khủng hơn em mà vẫn trụ được. Vì vậy dù mỏi mệt đến mấy em vẫn tự nhủ bản thân không được phép bỏ cuộc”, Đức Hải chia sẻ.

Cảm giác tương tự với Đức Hải, Yến Trang (25 tuổi) - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ về nguyên nhân cô nhận thêm các dự án bên ngoài: “Công việc văn phòng cho mình mức lương đủ trang trải cuộc sống và mình cũng thấy khá hài lòng với nó. Nhưng khi nghe kể về các bạn cùng lớp ngày xưa thu nhập mỗi tháng lên đến vài chục triệu, tự dưng mình thấy chạnh lòng, thua kém. Vì vậy mình nhận thêm một số dự án viết lách bên ngoài để tăng thu nhập và bớt cảm giác kém cỏi”.

Những trường hợp như của Đức Hải hay Yến Trang cho thấy những ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài đến lựa chọn và quyết định của họ. Ở Đức Hải, sự bận rộn của bạn bè xung quanh khiến cậu không cho phép mình dừng lại. Với Yến Trang, sự thành công của những người bạn cũ khiến cô phải bước khỏi vùng an toàn. Và xã hội hiện đại tồn tại một cụm từ phù hợp một cách hoàn hảo để mô tả trường hợp mà họ đang gặp phải: Áp lực đồng trang lứa.

“Những hình mẫu về sự năng động, chủ động và tích cực khiến em lao vào các hoạt động như câu lạc bộ hay làm dự án, nhờ đó quen biết được nhiều người bạn mới chung sở thích và tính cách. Công việc làm thêm hiện tại của em là được một chị cùng câu lạc bộ giới thiệu. Áp lực thì cũng có vì mọi người xung quanh giỏi quá, nhưng em thấy mừng vì mình đang ngày một trưởng thành, biết suy nghĩ và lo xa hơn” - Với Đức Hải, áp lực đồng trang lứa thúc đẩy cậu phát triển thành một con người tích cực và năng động hơn, đem lại nhiều mối quan hệ và những cơ hội quý giá.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Bảo Hân (23 tuổi) lại trải qua quãng thời gian đầy khó khăn và vất vả mà nguyên nhân không đâu khác ngoài áp lực từ những người bạn đồng trang lứa.

Thất nghiệp hơn nửa năm kể từ khi ra trường, Bảo Hân trượt dài trong những cảm xúc tiêu cực và sự chán nản: “Mình gửi hồ sơ đến hơn chục nơi mà không thấy người ta phản hồi, cứ thế liên tục đâm ra chán, tự nghi ngờ năng lực của chính mình. Lướt mạng xã hội cho khuây khoả thì thấy bạn bè đứa thì được học bổng cao học bên trời Âu, đứa được nhận vào công ty lớn, đứa thì khéo léo khoe chiếc điện thoại đời mới được mua bằng tháng lương đầu. Thành ra mình sợ vào mạng xã hội, cũng ngại giao tiếp với người khác vì sợ bị hỏi han. Mình có cảm giác mọi người xung quanh đều đang ổn định còn mình thì vẫn mông lung và bấp bênh”.

Vì đâu nên nỗi?

Tiến sĩ Tâm lý Đặng Hoàng Ngân - cựu giảng viên khoa Tâm lý học trường ĐHKHXH&NV Hà Nội chỉ ra ba cơ chế ảnh hưởng đến áp lực đồng trang lứa. Theo cô, đầu tiên là kiểu nhận thức “so sánh xã hội” của con người, trong đó có khuynh hướng so sánh hướng lên trên khi hướng đến sự cải thiện, phát triển. Thứ hai là sự hình thành lòng tự trọng theo hướng phiến diện: Mình là ai so với mọi người quyết định giá trị mình có. Và cuối cùng là sự nội hóa mong đợi của người có ý nghĩa như gia đình, người thân, người có ảnh hưởng có thể kì vọng những điều lớn, khác hẳn trạng thái ta đang có. Ta muốn họ được tự hào, hoặc không muốn họ buồn, nên đặt kỳ vọng và áp lực đó lên bản thân mình.

Đối với những người trẻ, phần lớn họ còn đang loay hoay trên con đường định hình bản thân, chưa biết mình là ai và mình thực sự muốn gì nhưng lại có mong muốn khám phá và thể hiện bản thân mãnh liệt.

Bởi vậy, họ có khuynh hướng lấy những người gần giống mình làm hình mẫu, thước đo, chuẩn mực để noi theo, từ đó điều chỉnh những hành vi, thái độ và mục tiêu của mình. Vì vậy, khi không đạt được những điều mà bạn bè xung quanh đạt được, người trẻ khó tránh khỏi tâm lý tự ti, chán nản, muốn buông xuôi vì cảm thấy mình thua kém.

Học cách trân trọng những giá trị của bản thân

Áp lực đồng trang lứa là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó khuyến khích người trẻ khám phá bản thân, nhìn ra những điểm mạnh có thể phát triển và chinh phục những thử thách mới. Không có áp lực, người trẻ dễ thoái lui và thỏa hiệp. Nhưng đồng thời, nó có thể trở thành gánh nặng tâm lý và làm hao mòn giá trị bản thân của người trẻ.

Để cởi bỏ gánh nặng của áp lực đồng trang lứa, điều quan trọng nhất là ta phải nhận thức một cách đúng, đủ và khách quan về giá trị của bản thân. Mỗi con người sinh ra là một cá thể riêng biệt với những tính cách, phẩm chất, năng lực khác nhau. Bạn không thể ép con cá leo cây, không thể ép buộc bản thân đi theo con đường của người khác khi xuất phát điểm vốn khác biệt.

Hãy bình tĩnh, tỉnh táo suy xét xem đâu là thế mạnh và sở trường của bản thân để phát triển, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những điều mình còn yếu kém để cải thiện và không ngần ngại học hỏi từ những sai lầm cũ.

Sau khi đã nhận thức được điểm mạnh, yếu của bản thân, cá nhân cần thực tế hoá bằng hành động khi xây dựng cho mình một lộ trình phát triển cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Hãy đặt ra một mục tiêu thực tế, cụ thể, vừa sức và tiến hành thực hiện nó theo từng giai đoạn.

Song song với đó, bạn cần chú ý chăm lo đến đời sống tinh thần, hướng đến những trải nghiệm nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự kết nối và lòng cảm thông. Hãy hiểu rằng cuộc sống này không xây dựng trên sự cạnh tranh, và chúng ta hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày không phải để so đo hay hơn thua với người khác, mà để đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) là hiện tượng một cá nhân bị ảnh hưởng bởi bạn bè, bạn học hay đồng nghiệp cùng độ tuổi khiến họ ngầm so sánh bản thân với những người xung quanh, từ đó dẫn đến sự thay đổi về hành động, mục tiêu và giá trị nhằm được công nhận. Đây là một hiện tượng có thể bắt gặp ở bất cứ ai, nhưng đặc biệt phổ biến ở những người trẻ và thanh thiếu niên - nhóm đối tượng chưa phát triển ổn định về mặt nhân cách, có nhu cầu được thể hiện và công nhận bởi cộng đồng.

Hiện tượng này gây ra cả những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, nó là động lực thúc đẩy con người ta không ngừng nỗ lực vươn lên để chinh phục những mục tiêu mới và bước khỏi vùng an toàn để khám phá những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Ở khía cạnh tiêu cực, nó đẩy con người ta vào những xúc cảm tiêu cực như ganh ghét, đố kỵ, hình thành nên tâm lý tự ti, thu mình lại và luôn bị ám ảnh, so sánh bản thân với người khác, từ đó dễ đánh mất chính mình và chạy theo những ảo vọng mơ hồ.

Lượt xem: 138
Nguồn:baophapluat.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...