Xóa bỏ bức tường vô hình
Mới đây, chính quyền phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã triển khai lực lượng phá bỏ bức tường ngăn cách giữa kiệt 211 và kiệt 225 từ đường Đống Đa đi vào. Sự kiện này mang đến niềm vui cho hàng chục hộ dân, bởi bức tường đã tồn tại gần 50 năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền phá bỏ bức tường chia cắt này, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà không được thực hiện.
Bức tường ngăn cách giữa kiệt 211 và kiệt 225 không hề có giá trị về ý nghĩa lịch sử, cũng không có tác dụng làm đẹp mỹ quan đô thị, vậy mà nó nghiễm nhiên tồn tại gần 50 năm, khiến hàng chục hộ dân khổ sở.
Khi bức tường ngăn cách được tháo dỡ thì hai kiệt nêu trên không còn là hẻm cụt, đường đi lối lại thông thoáng, người dân đi lại thuận tiện, nhất là khi có các tình huống bất thường xảy ra... Hơn thế nữa, bức tường được tháo dỡ sẽ mở ra cuộc sống mới, nối tình làng xóm, nghĩa cộng đồng nơi phố thị, người người mở lòng với nhau hơn. Đây chính là cơ hội để người dân biết chia sẻ, cảm thông cho nhau, từ đó chung sống đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, đáng sống...
Lực lượng chức năng đập bỏ bức tường ngăn cách kiệt 211 và 225 từ đường Đống Đa vào. Ảnh: tuoitre.vn |
Bức tường ngăn cách giữa kiệt 211 và kiệt 225 tồn tại trên thực địa gần nửa thế kỷ qua chính là do bức tường vô hình cả trong ý thức của người dân và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Người dân sinh sống giữa hai kiệt chưa có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Còn cán bộ chính quyền thì thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Giá như cán bộ, chính quyền địa phương sâu sát bám nắm cơ sở, nhiệt tình giải thích cặn kẽ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì bức tường đã được tháo dỡ từ lâu.
Không riêng Đà Nẵng, trên phạm vi cả nước vẫn còn những bức tường tương tự tồn tại do lịch sử để lại. Những bức tường vô hình ấy tồn tại cả trong suy nghĩ và tình cảm của con người, vô hình trở thành rào cản trong xây dựng tình nghĩa xóm giềng; ảnh hưởng đến Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Để những bức tường vô hình ấy được xóa bỏ và không mọc thêm nữa, cấp ủy, chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ các cấp cần phải thấm nhuần bài học “lấy dân làm gốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy, để rèn luyện và thực hiện “phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, qua đó góp phần tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
PHAN TIẾN DŨNG