Xét tuyển học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ trong tuyển sinh đại học
Nhằm tránh những tiêu cực trong xét tuyển học bạ để tuyển sinh năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng các trường đại học cần đưa ra thêm những tiêu chí, coi kết quả học tập bậc THPT (học bạ) là tiêu chí phụ.
Băn khoăn với xét tuyển học bạ trung học phổ thông
Nhiều năm trở lại đây, phương thức xét kết quả học tập (học bạ) bậc THPT được nhiều trường đại học lựa chọn. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 100 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước công bố sử dụng phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh 2024. Trong danh sách này, đa số là trường đại học tốp giữa hoặc tốp dưới. Một số trường đại học có sức hút thí sinh như: Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh... đặt ra thêm tiêu chí phụ. Trong khi đó, một số trường đại học nổi tiếng khác lại tuyên bố bỏ phương thức xét tuyển học bạ.
Tiết học của cô trò Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội |
Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024 sẽ không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu. Lý giải về thay đổi này, PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy, một số thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có học lực tốt, đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế... tỷ lệ trùng lặp giữa nhóm thí sinh này khá cao, dẫn đến tỷ lệ ảo gia tăng.
Em Nguyễn Thành Hiếu, học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) chia sẻ, em đã có bước chuẩn bị dài hơi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cụ thể, ngay từ lớp 10, Hiếu tập trung cho việc học, cố gắng đạt kết quả tốt nhất để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhờ phương thức xét học bạ. Nguyện vọng cao nhất của em là trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vì vậy, khi nghe tin trường này nói không với phương thức xét học bạ, Hiếu khá bối rối.
Nhiều thí sinh cho rằng, việc một số trường tốp đầu không xét học bạ hoặc giảm chỉ tiêu khiến thí sinh gặp nhiều bất lợi bởi kết quả học tập bậc THPT của họ khá cao. Các em nghĩ rằng, các trường có thể tuyển sinh bằng học bạ nhưng kèm theo những tiêu chí khác, vừa giúp sàng lọc học sinh vừa bảo đảm đầu vào và tạo điều kiện cho thí sinh. Do đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, các em mong muốn xét tuyển theo 4 phương thức: Điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi đánh giá tư duy và xét học bạ THPT.
Xét học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ
Với hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) - người nhiều lần bày tỏ lo ngại tình trạng các trường xét tuyển học bạ THPT tràn lan dẫn đến việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ - ủng hộ xu hướng bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT của một số trường đại học hiện nay.
Thầy Lực đề xuất: “Thay bằng xét học bạ, các trường có thể sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (không tính điểm học bạ) kết hợp với thi đánh giá năng lực của các trường đại học hiện nay. Kết quả bài thi này có độ tin cậy, tín nhiệm cao trong tuyển sinh mà nhiều trường đã áp dụng”.
Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ quan điểm không phủ định hoàn toàn việc xét học bạ THPT trong tuyển sinh đầu vào, nhưng e ngại về tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí xuất hiện cả tình trạng mua điểm. Điều này dẫn tới việc khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm túc. Việc các trường xét tuyển học bạ THPT cơ bản vẫn sẽ phù hợp với một số nhóm trường nhất định, như các trường đại học tốp giữa hoặc tốp dưới.
Thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ không công bằng với học sinh. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường. Trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Bài và ảnh: VÂN LÊ