• :
  • :

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng

Sơ cấp cứu là kỹ năng quan trọng giúp cứu sống người bệnh trong những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cấp cứu sai cách, không những không cứu được bệnh nhân mà bản thân gặp nguy hiểm. Do đó, việc trang bị kiến thức sơ cứu rất quan trọng nhằm giảm biến chứng, tỷ lệ tử vong.

Sơ cứu người bị tai nạn sai cách sẽ nguy hiểm như thế nào?

Mới đây, một du khách Ấn Độ đến du lịch ở Đà Nẵng bất ngờ bị ngất xỉu, ngã xuống đất, ngừng tim, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ, đã lập tức được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu tại chỗ một cách chuyên nghiệp, kịp thời đã giúp qua cơn nguy kịch.

Đây là một trong số trường hợp may mắn khi gặp nạn ngoài cộng đồng nhưng vô tình có người chuyên môn y tế bên cạnh. Còn phần lớn các trường hợp gặp nạn, người sơ cứu ban đầu chỉ có thể là người dân, bạn bè...

Sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu tính mạng người bệnh, giúp cho các tổn thương không tiến triển nặng hơn.

Sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu tính mạng người bệnh, giúp cho các tổn thương không tiến triển nặng hơn

Với mong muốn nâng cao tỷ lệ người dân biết kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản, sơ cấp cứu ban đầu, Phòng Công tác xã hội phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu A9 và Viện Đào tạo Nghiên cứu y dược Bạch Mai tổ chức chương trình tuyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề: Hướng dẫn kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn tại cộng đồng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 40% do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân được sơ cứu sai cách dẫn đến những tổn thương đáng tiếc, đặc biệt là trong các vụ tai nạn có chấn thương đốt sống cổ.

"Một bệnh nhân ở Hải Phòng bị tai nạn giao thông gãy đốt sống cổ, người sơ cứu lập tức bế nạn nhân đến bệnh viện thay vì để nằm thẳng tại chỗ. Hậu quả là mảnh xương vỡ đâm vào tủy khiến bệnh nhân bị liệt. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Nếu như bệnh nhân này được sơ cứu đúng sẽ không xảy ra trình trạng bị liệt như vậy", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Không chỉ vậy, khi sơ cứu sai cách còn mang đến sự nguy hiểm cho chính bản thân những người tham gia thực hiện công việc này. Đơn cử nhất có thể kể đến vụ vụ giao thông thảm khốc xảy ra tại Kon Tum năm 2017, khiến 16 người gặp nạn, 4 người tử vong.

Trong số nạn nhân tử vong có người phụ nữ bị nhiễm HIV nhưng điều được nhắc đến nhiều hơn trong vụ việc này là 24 người, trong đó có 17 nhân viên y tế bị nghi phơi nhiễm HIV khi cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông. Bởi lẽ khi cứu nạn nhân, họ quên mất bảo vệ an toàn như thế nào. Những người này sau đó đã phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày.

Trường hợp khác, một ông bố ở Nam Định cho tay vào miệng khi con bị co giật để cháu không cắn phải lưỡi nhưng đã bị con cắn sâu vào tay, gây tổn thương và bị nhiễm trùng lên tận cổ tay, suýt phải tháo khớp; hay vụ việc 3 người tử vong sau khi cứu một người rơi xuống giếng ở Bình Phước năm 2021.

Chỉ một số vụ việc như vậy cũng đủ để thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc trang bị các kiến thức liên quan đến sơ cấp cứu trong cộng đồng. Bởi không có kỹ năng thì việc cứu người có thể trở thành hại người, hại mình.

5 nguyên tắc "vàng" của sơ cấp cứu

BS Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, chúng ta hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý; sau cùng mới là vấn đề đạo đức. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho mình trước bởi, thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống.

Theo BS Ngô Đức Hùng, việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113, 114, 115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Tránh trường hợp một số người khi gọi cho 114, 115 rối trí không biết nói gì, BS Hùng lưu ý khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn; không ngắt điện thoại khi cơ quan y tế chưa khai thác hết thông tin.

BS Hùng nhấn mạnh, trong các vụ nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, cần cố định cho đến khi có nhân viên y tế đến, tránh trường hợp sơ cứu sai cách khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn.

Đặc biệt với tất cả các nạn nhân bị tai nạn giao thông, đề phòng gãy đốt sống cổ, người sơ cấp cứu nên giữ cho nạn nhân nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến.

Với trường hợp nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn như thở ngáp hoặc không thở; không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn; tím tái… bác sĩ Hùng lưu ý, cần phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức; chú ý, vừa cấp cứu vừa gọi người tới hỗ trợ.

Sau phút xử trí đầu tiên, người sơ cấp cứu dừng 5 giây bắt mạch cảnh (hoặc mạch bẹn); sau đó cứ 3 phút một lần dừng lại 5 giây bắt mạch; nếu tim chưa đập lại, cần duy trì ép tim và hô hấp nhân tạo; nếu tim đập lại vẫn tiếp tục hô hấp nhân tạo.

5 nguyên tắc "vàng" của sơ cấp cứu

+ An toàn

+ Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu

+ Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp

+ Hành động thống nhất

+ Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương, rửa tay trước và sau khi sơ cứu, xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.

 

 

 

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 7
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết