Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!
Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được!
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình và Bắc Kạn), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, không tinh gọn bộ máy sẽ không phát triển được, do đó, cần bảo đảm tinh gọn, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ, một số ĐBQH còn bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị và bộ máy quản lý nhà nước làm sao cho hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn và Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao để tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; và việc này phải bảo đảm không hình thức, đúng thực chất không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà cho cả nước.
Lưu ý điều này, Tổng Bí thư nêu rõ, Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh phải sắp xếp, tinh gọn. Thời gian qua, chúng ta chủ yếu sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, song cách thức tiến hành như thế nào là vấn đề rất lớn phải tính đến.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các Nghị quyết của Đảng, của Trung ương mấy nhiệm kỳ gần đây đều nhất quán chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đánh giá rõ kết quả đạt được, thì chúng ta phải xem xét, bàn kỹ lưỡng trong thời gian tới.
Nêu quan điểm “ở đâu cũng phải làm” và tới đây “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu”, Tổng Bí thư chỉ rõ, nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được. Thực tế, hiện nay khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, đồng nghĩa tỷ lệ ngân sách chi cho đầu tư phát triển thấp...
“Chúng ta thấy vô cùng sốt ruột bởi bộ máy cứ phình lên; vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương thì ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 - 90%, không còn tiền ngân sách để chi cho các hoạt động khác”. Chỉ rõ thực tế này, Tổng Bí thư đề nghị, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung như hiện nay, chúng ta phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện tổ chức bộ máy của nhiều bộ, ngành vẫn còn cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin - cho và mất rất nhiều thời gian. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật và cần sớm triển khai trong thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, cần rà soát lại tình trạng “một việc nhiều người làm, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính”; đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền là phục vụ Nhân dân - Tổng Bí thư nói.
Qua rà soát cho thấy có tình trạng không muốn chuyển đổi số vì tâm lý lo ngại mất việc. Chỉ ra thực tế này, Tổng Bí thư đề nghị cần rà soát chi tiết, theo đó việc làm nào, hành vi nào, phục vụ gì và tạo điều kiện gì cho Nhân dân, có phục vụ Nhân dân tốt hơn hay không?
“Có nhiều nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính và giảm bớt bộ máy hành chính. Ví dụ, một tờ giấy khai sinh thôi, nhưng 5 - 6 cơ quan tham gia và người dân mất cả tuần đến 10 ngày để làm thủ tục. Tại sao không ở ngay trạm y tế có thể hoàn thành tất cả các thủ tục này? Khi đó, cán bộ tư pháp không còn phải làm những việc hành chính đơn thuần, mà thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật, tư vấn luật pháp luật cho Nhân dân”.
Với quan điểm như vậy, Tổng Bí thư lưu ý, Nghị quyết Trung ương đã nêu chủ trương, đường lối, nhưng cần phải trở thành cuộc cách mạng để thấm nhuần những tư tưởng này đến từng chi bộ, từng đảng viên; “nhiệm vụ tinh giản biên chế không chỉ là của Bộ Nội vụ, các cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước…”.
Tranh luận tại hội trường chiều 4/11, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho biết, báo cáo 205 của Chính phủ mới nói về tinh giản biên chế bộ máy hành chính của cấp huyện, cấp xã. “Nếu như vậy tôi thấy chưa được, cần phải cách mạng hóa bộ máy Trung ương và địa phương, các ngành. Tôi xin phản ánh chính xác 100% là có đồng chí bộ trưởng nói với tôi rằng, nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì” - đại biểu khẳng định. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim: “Nếu giảm biên chế thì tôi thấy có 2 tác dụng, giảm được người sách nhiễu và tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu trước đó về thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao.
Việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định, mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.
Theo đại biểu, trong kỳ họp này, một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận là “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.
Theo đại biểu, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thì thực sự cũng đang bị nghẽn.
“Bao nhiêu năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Nhưng khi phát biểu ở tổ thì Tổng Bí thư nói, việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục..., còn Trung ương chưa đụng được gì” - đại biểu nói.
Tổng Bí thư cũng nói, ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa?
“Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, tranh luận kéo dài về việc “chữa bệnh” cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy là đã đánh giá đúng tình hình chưa?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Đề cập vấn đề về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay, nhưng đại biểu nêu thực tế, cho dù thế thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu, lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, kỳ họp này, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. “Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Tôi đề nghị nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước” - đại biểu đề nghị.
Điều chỉnh sát người, sát việc hơn
Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào trung tuần tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.
Một nội dung đáng chú ý theo báo cáo giám sát là trong giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người (giảm 11,67%). Trong đó, các bộ, ngành giảm hơn 40.000 người, các địa phương giảm hơn 196.000 người, vượt mục tiêu 10% theo yêu cầu của Trung ương.
Mặc dù về con số tinh giảm trong giai đoạn 2015-2021, đây là tín hiệu đáng mừng do biên chế đã giảm hơn mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, xét về “chất” thì rất đáng suy nghĩ bởi diện được tinh giản chủ yếu là tự nguyện nghỉ, dôi dư sau sắp xếp và ốm đau, bệnh tật, chưa giảm được nhiều biên chế làm việc không hiệu quả, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Chính vì vậy, báo cáo giám sát đã đánh giá giai đoạn 2015-2021, kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học.
Thực tế cho thấy, việc tinh giản biên chế theo kiểu cơ học mang lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Có những bộ phận thừa biên chế, có những viên chức yếu cả về năng lực, trình độ, phẩm chất lẽ ra cần phải tinh giản thì lại không thực hiện tinh giản, trong khi đó lại “tinh giản” ở những bộ phận, lĩnh vực thực sự cần thiết, thậm chí đang thiếu người làm việc, để đạt được mục tiêu tinh giản 10%... Hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên nghiêm trọng nhưng không thể tuyển dụng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phải tinh giản biên chế là một ví dụ điển hình.
Thực trạng nói trên không những khiến cơ quan, đơn vị rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn khiến nhiều cán bộ, đảng viên tâm tư, dư luận xã hội bức xúc.
Tinh giản biên chế là yêu cầu tất yếu khách quan để xây dựng bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước mắt, đó là một nội dung quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Để hạn chế tình trạng “giảm” nhưng không “tinh” trong tinh giản biên chế, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước hết cần tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần thực hiện thực chất, nghiêm túc công tác rà soát, đánh giá chất lượng viên chức hằng năm để có cơ sở đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo ngành, lĩnh vực, số lượng biên chế của các đơn vị..., tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm hoặc thực hiện chưa đúng.
Cũng trong tháng 9, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã góp phần thay đổi cục diện căn bản trong tổ chức bộ máy; thể hiện qua việc quyết tâm, quyết liệt trong sắp xếp tổ chức Bộ máy bên trong các Bộ, ngành. Trước đây, các địa phương triển khai nhiệm vụ này quyết liệt, nhưng một số bộ, ngành không thực hiện hoặc thực hiện rất ít. Đến nay, các Bộ, ngành đều sắp xếp lại, qua đó giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các tổ chức hành chính của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 13 sở và tương đương, 2.159 phòng và tương đương. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có số lượng sắp xếp rất lớn.
Bản thân Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, đôn đốc thực hiện các chủ trương này đã gương mẫu cắt giảm 64 đơn vị bên trong, sắp xếp 4 đầu mối của Bộ, giảm 15% biên chế công chức trong suốt giai đoạn vừa qua.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ, cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua còn đang cơ học, cào bằng, song Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định: “Một mặt nào đó, nếu không thực hiện như vậy thì không giảm được số lượng đơn vị đầu mối và biên chế”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây vấn đề này sẽ được điều chỉnh tinh tế hơn, sát người, sát việc hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), khó khăn nhất là thực hiện giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp. Hiện số lượng đơn vị sự nghiệp tập trung ở địa phương, chủ yếu là ở lĩnh vực giáo dục.
Ông Nam cho biết, vấn đề này đã được Bộ Nội vụ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị. Bộ đã xác định giải pháp then chốt, vừa thu gọn đầu mối nhưng vẫn bảo đảm nâng cao mức độ tự chủ. Mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp là giải pháp để thực hiện cơ cấu lại số người làm việc. Khi đẩy mạnh mức độ tự chủ sẽ có điều kiện giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách.
Khánh An