Thiếu cả thầy và thợ
Trước thềm năm học mới 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo đang thiếu 118.253 giáo viên từ cấp mầm non đến THPT.
Tỉnh Nghệ An trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tăng khoảng 12.000 học sinh, nhưng hiện còn thiếu khoảng 7.800 giáo viên. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang thiếu trên 10.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương diễn ra trong nhiều năm và xu hướng ngày càng thiếu...
Không chỉ bậc học phổ thông mà ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cũng thiếu giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng thiếu thợ, thiếu lao động lành nghề, khiến họ phải thuê lao động nước ngoài chỉ để làm những công việc mà lẽ ra lao động trong nước có thể làm được, làm tốt.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo đang thiếu 118.253 giáo viên từ cấp mầm non đến THPT. Ảnh minh họa: Vnexpress |
Chỉ cần đến thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sẽ thấy có thời điểm đến hàng nghìn công nhân nước ngoài đang làm việc tại các công trường, nhà máy trên địa bàn. Nhưng thật nghịch lý, trong những làng quê Kỳ Anh yên ả, thanh bình, nhiều thanh niên mười tám, đôi mươi đang chờ làm thủ tục để đi xuất khẩu lao động, hay thậm chí đang giết thời giờ trong những quán nhậu, quán game.
Khi nói đến tiềm năng thu hút đầu tư, các tỉnh Bắc miền Trung đều nhấn mạnh lợi thế “nguồn nhân lực dồi dào”, nhưng thực tế trên khiến chúng ta hiểu rằng tính từ “dồi dào” là để chỉ số lượng mà thôi.
Vậy còn chất lượng? Điều gì khiến các doanh nghiệp không tuyển dụng được đa số lao động địa phương đang thất nghiệp? Họ cần nhân lực có chất lượng như thế nào, cần những tiêu chuẩn gì về trình độ, kỹ năng, về văn hóa, đạo đức và phẩm chất tinh thần của người lao động? Trả lời những câu hỏi đó cho đến tận cùng, chúng ta sẽ gặp vấn đề giáo dục và đào tạo.
Chỉ xét một khía cạnh rất nhỏ, do thiếu giáo viên nên phải dồn lớp, học ghép, những lớp học sẽ quá đông học sinh dẫn đến chất lượng dạy và học bị giảm sút. Lương thấp, điều kiện sinh hoạt khó khăn, khối lượng công việc lớn khiến nhiều giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bỏ việc.
Sư phạm không còn là một ngành hấp dẫn, nhiều trường đại học, cao đẳng hạ điểm chuẩn đầu vào nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo hàng năm. Mặt khác, với những sinh viên chỉ đạt điểm chuẩn thấp đầu vào, sẽ phải cố gắng rất nhiều trong 4 năm đại học và trải nghiệm thực tế mới có thể trở thành thầy giỏi.
Thầy đã thiếu lại càng thiếu. Và logic là thiếu thầy, nhất là thiếu thầy giỏi sẽ dẫn đến thiếu thợ và thợ giỏi.
Nhiều người nói rằng chỉ cần tăng lương và thực hiện các chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên sẽ giải quyết được vấn đề. Không hẳn thế, bởi vì không chỉ có vấn đề về thu nhập mà còn có vấn đề về môi trường làm việc, về chính sách, về sự công nhận...
Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần những giải pháp toàn diện và bền vững để khắc phục tình trạng thiếu cả thầy và thợ. Chỉ khi có được một nguồn nhân lực không chỉ dồi dào về số lượng mà còn chất lượng cao về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và tinh thần, mới có thể phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và chủ động trong hội nhập với thế giới.
TRẦN HOÀI