• :
  • :

Thầy cô nỗ lực làm bạn với học trò

Bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn, giảng dạy, không ít giáo viên đang từng ngày nỗ lực phá vỡ khoảng cách để làm bạn với học sinh, trở thành người bạn đồng hành, giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống.

Mỗi thầy cô là một nhà tâm lý

Dịp 20-11 vừa qua, món quà ý nghĩa nhất mà cô giáo Mai Ánh Nguyệt, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) nhận được là chiếc bình nước in hình ảnh của cô cùng dòng chữ: “Cho 20 giây để khẳng định mình là người tiến hóa”. Món quà này do học sinh lớp cô đang chủ nhiệm tặng.

“Thực ra, đấy là cách tôi nhắc nhở học trò. Tiến hóa có nghĩa là phải học hành, phải có cách hành xử đúng đắn, đúng mực. Mỗi khi tôi nói "cho 20 giây...", học sinh ngay lập tức hiểu là mình cần phải sửa đổi, phải ngoan hơn, nghe lời thầy cô hơn”, cô Ánh Nguyệt cười nói khi được hỏi về ý nghĩa của câu nói in trên bình nước. Làm bạn với học trò, thấu hiểu và chia sẻ - đó là những điều mà cô luôn theo đuổi từ khi bắt đầu công tác trong ngành giáo dục.

Cô giáo Mai Ánh Nguyệt, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) luôn nhận được tình cảm quý mến từ học trò.

Đến ngày hôm nay, cô Ánh Nguyệt tự hào vì mình đã làm được điều đó. Học trò Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã quá quen thuộc với hình ảnh cô giáo có vóc dáng nhỏ bé nhưng vô cùng “uy lực”, chỉ cần một câu nói cũng đủ để cả lớp học giữ trật tự, nghiêm túc trong suốt tiết học. Nghiêm khắc có, nhưng ngoài giờ lên lớp, cô Ánh Nguyệt lại trở thành người bạn đồng hành được nhiều học trò tin cậy, tìm đến và chia sẻ những điều thầm kín.

Cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km, tại vùng quê nghèo khó Can Lộc, Hà Tĩnh, từng giáo viên Trường THPT Can Lộc đều đang cố gắng mỗi ngày để có thể làm bạn, thấu hiểu học sinh. Ai cũng hiểu rõ, lứa tuổi này, các em đang có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, nên ngoài việc tiếp nhận kiến thức, các em cần có chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng để sẵn sàng giãi bày những tâm tư, nguyện vọng trong học tập và cuộc sống. Song, điều này thật không dễ dàng.

Cách đây 6 năm, Phòng Tâm lý học đường của Trường THPT Can Lộc được thành lập. Hằng năm, nhà trường đều có kế hoạch rõ ràng, rà soát các lớp có những học sinh cần hỗ trợ, lập hồ sơ, có phương án để đồng hành, giúp các em vượt qua vấn đề gặp phải trong học tập, đời sống riêng tư...  “Hoạt động của tổ tư vấn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Đội ngũ nòng cốt khoảng 5 giáo viên là những thầy cô giáo chủ nhiệm. Bên cạnh đó, cán bộ lớp hay bất kỳ học sinh nào cũng có thể tham gia làm cộng tác viên của tổ tư vấn tâm lý học đường”, cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Can Lộc chia sẻ.

Sau đó, cô kể về trường hợp học sinh khối 11 ở tuổi dậy thì, trên mặt xuất hiện rất nhiều mụn - điều khiến em tự ti và ngày càng thu mình, ít giao tiếp với thầy cô, bạn bè, việc học tập cũng vì thế mà ảnh hưởng. Thầy cô đã gặp gỡ, làm bạn với em, hướng dẫn em cách chăm sóc da mặt. Sau một thời gian, học sinh đó dần tự tin hơn và kết quả học tập của em được cải thiện rõ rệt.

Không riêng Trường THPT Can Lộc, rất nhiều trường học trên cả nước đã thành lập, vận hành trung tâm giáo dục học đường. Đây là nơi để học sinh giải tỏa khó khăn về đời sống, tinh thần ở lứa tuổi mới lớn. Đây cũng là giải pháp giúp học sinh có tinh thần thoải mái, giảm tải áp lực, vượt qua mùa thi một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, nhiều trường học còn nghĩ ra cách làm sáng tạo như tổ chức những chuyên đề học tập, các vở kịch, cuộc thi... tăng sự kết nối giữa học sinh và giáo viên.

Cần sự phối hợp giữa các bên

Theo nhiều giáo viên, chuyên gia tâm lý giáo dục, hiện nay, những áp lực bủa vây dễ khiến học sinh gặp vấn đề về tâm sinh lý, dẫn đến những hành động dại dột, tiêu cực. Chưa kể, nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và cách thức thể hiện. Chính vì vậy, vấn đề được toàn xã hội quan tâm là làm sao bảo đảm môi trường học đường thực sự an toàn. 

Thầy Bùi Ngọc Đạo, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: "Ngoài việc chăm lo về hoạt động dạy học, cơ sở vật chất, bữa ăn bán trú, mỗi trường cần đẩy mạnh hoạt động của phòng tham vấn học đường. Làm sao để đây là địa chỉ tin cậy, bảo mật, riêng tư, nơi các con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình học tập, lên lớp. Điều quan trọng là có thầy cô giáo chuyên trách vị trí tư vấn tâm lý học đường. Đồng thời, cần nội quy, quy chuẩn để các phòng tham vấn hoạt động hiệu quả, để mỗi nhà giáo là một nhà tâm lý. Có như vậy, thầy cô, nhà trường mới nắm bắt kịp thời những vấn đề, mối đe dọa đối với học sinh để giải quyết kịp thời, đồng bộ và hiệu quả".

Chia sẻ về điều này, bà Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, để tạo cho học sinh môi trường sống lành mạnh, hài hòa giữa học và chơi, cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Trong đó, gia đình là nền tảng, điều kiện tiên quyết. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong trường học, đa số thầy cô giáo, hiệu trưởng, khi phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường còn lúng túng về phương diện kỹ năng trong quá trình xử lý. Cùng với đó, quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học trực tuyến lâu, có các vấn đề về tâm lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, gồm cả từ ngành giáo dục và gia đình, xã hội. Do đó, để giải quyết bạo lực học đường, cần sự chung tay của toàn xã hội. 

Bài và ảnh: CẨM VÂN

Tags: giáo viên
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết