• :
  • :

Thắp niềm hy vọng cho con trẻ vùng biên

Những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Theo đó, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Lai Châu đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Dáng người nhanh nhẹn, hoạt bát, thế nhưng Vàng Lò Hừ ở bản Xà Hồ và Giàng Cà Hừ ở bản Mô Chi đều thuộc xã Pa Ủ, huyện Mường Tè lại tỏ ra bẽn lẽn khi tiếp xúc với người lạ. Khi "khoảng cách" ban đầu trôi qua, hai cậu bé mới dần làm quen, rồi hào hứng kể về mình và cuộc sống hiện tại.

Vàng Lò Hừ hồn nhiên: "Ngày mới về sống cùng các cha nuôi ở Đồn Biên phòng Pa Ủ (BĐBP tỉnh Lai Châu), cháu thấy cái gì cũng khác so với ở nhà. Nhiều hôm, hai đứa ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Thế nhưng, bây giờ chúng cháu đã quen với nếp sinh hoạt cùng các cha nuôi trong Đồn rồi. Ngoài giờ học tập, hoạt động thể thao, chúng cháu còn phụ giúp các cha nuôi nhiều công việc. Cháu đã hứa với ông và các cha nuôi quyết tâm học thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội". 

Kể về hoàn cảnh của Vàng Lò Hừ, Trung tá Đỗ Văn Đàm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: "Vàng Lò Hừ có hoàn cảnh đáng thương lắm. Bố mẹ mất sớm, Hừ ở cùng ông nội từ nhỏ. Ông nội Hừ thuộc diện hộ nghèo nhất bản Xà Hồ. Nhà nghèo đến mức nhiều hôm ông cháu chỉ có gói mì ăn liền chia nhau lót dạ qua ngày. Cả năm, Hừ không biết đến bộ quần áo mới như thế nào. Biết hoàn cảnh của Vàng Lò Hừ, cuối năm 2020, chúng tôi báo cáo cấp trên đề nghị được nhận em về chăm sóc và nuôi dưỡng". Khi được chính quyền địa phương thông báo, Hừ sẽ được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Pa Ủ đón về đồn nuôi dưỡng, ông nội Hừ mừng quá, cứ nhìn cháu nhắc đi nhắc lại: “Vậy là thằng Hừ có tương lai rồi. Hừ cố mà học lấy cái chữ cho nên người nhé!”.

Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ được cha nuôi đưa đến trường hằng ngày. 

Với Giàng Cà Hừ có chút may mắn hơn, bởi em còn cả bố mẹ nhưng gia đình quá đông anh chị em, lại thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tháng 3-2021, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ chính thức đón Giàng Cà Hừ về làm con nuôi. 

Nhìn Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ ngày càng chững chạc, trưởng thành, Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ nhớ lại: "Những ngày đầu về đơn vị, hai em rụt rè, ít giao tiếp với những người xung quanh. Thế nhưng, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên gần gũi, chăm sóc, dạy bảo, dần dần các em đã hòa nhập với cuộc sống cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đồn; tự giác trong sinh hoạt, bạo dạn, cởi mở trong giao tiếp, phụ giúp các cha nuôi nhiều việc...".

Hầu hết những em được nhận làm con nuôi tại các đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh Lai Châu đều gặp hoàn cảnh rất khó khăn. Có em là con thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách; có em mồ côi cha, có em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha và mẹ phải sống nhờ người thân, cuộc sống khó khăn, con đường đến trường gặp nhiều trắc trở... Vì vậy, khi được những người cha nuôi biên phòng đón về chăm lo, dạy bảo, cuộc sống của các em bớt phần thiệt thòi và thêm tự tin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu, thực hiện Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, BĐBP tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa chủ trương, kế hoạch hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện bảo đảm sát với tình hình thực tế của địa phương. Quá trình triển khai, các đơn vị đã tổ chức ký cam kết giữa gia đình, nhà trường và cấp ủy, chính quyền địa phương lập hồ sơ theo dõi, phân công cán bộ thường xuyên phối hợp với các trường để nắm kết quả học tập của các cháu.

Với quan điểm “thực chất, thực tâm, thực lòng”, triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu tổ chức chu đáo, trách nhiệm trong việc đón các cháu về nuôi dưỡng. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy các đơn vị đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất như phòng ngủ, quần áo, sách vở để các cháu yên tâm học tập. Ban đầu, mỗi đơn vị cũng có những khó khăn nhất định, nhưng sau thời gian ngắn, với tình cảm và trách nhiệm, các đồn biên phòng từng bước giải quyết tốt nhiều vấn đề đặt ra; thực hiện phần việc đầy nhân văn này như một hoạt động, một nhiệm vụ thường xuyên, gắn với các mặt công tác khác.

Từ năm 2014 đến nay, bằng nguồn lực tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, cùng sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các đồn biên phòng tỉnh Lai Châu đã nhận đỡ đầu 95 học sinh trong Chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”. Đến nay đã có 6 cháu tốt nghiệp THPT. Có thể nói, mô hình “Nâng bước em đến trường” trước đó và nay là “Con nuôi đồn biên phòng” đã và đang chắp cánh cho nhiều ước mơ đến trường của các em học trò nghèo nơi biên cương Tổ quốc, thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: KIM ANH

Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết