• :
  • :

Tạo điều kiện để báo chí phát triển và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ

Trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và xã hội, Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện để nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Báo Quân đội nhân dân lược đăng một số tham luận gửi tới Hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí năm 2016” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức mới đây.

Nhà báo LÊ TRẦN NGUYÊN HUY, Phó tổng biên tập Phụ trách Báo Nhà báo và Công luận:

Sửa luật để báo chí theo kịp những chuyển động mau lẹ của đời sống báo chí, truyền thông

Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Đất nước đang chuyển mình đổi mới mạnh mẽ với những mục tiêu cao hơn, xa hơn, báo chí cách mạng dù vẫn trung trinh với sứ mệnh cốt lõi của mình là đồng hành với đất nước, với dân tộc, tuy nhiên, sự xuất hiện của những công nghệ truyền thông mới, sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình truyền thông mới cũng như sự đổi thay trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến đời sống báo chí, truyền thông thay đổi về mặt căn bản.

Nhiều vấn đề báo chí mới, phức tạp từ đó cũng nảy sinh khiến Luật Báo chí năm 2016 đang chưa bao quát được hết. Đơn cử như các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động của những loại hình hoạt động thông tin có tính chất báo chí như mạng xã hội, ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới đang phân phối nội dung trên internet... đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời để quản lý được chặt chẽ hơn.

Việc đạo đức báo chí ngày càng “nóng”, tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi... ngày càng gia tăng cũng đòi hỏi Luật Báo chí năm 2016 cần có sự điều chỉnh trong quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn nhà báo, trong đó phải nhấn mạnh tới yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu... 

Đồng thời cân nhắc, xem xét sửa đổi tên Luật Báo chí thành Luật Báo chí, truyền thông; mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát các loại hình truyền thông hiện đại; tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số. Làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng cơ quan báo chí, quy định cơ quan quản lý nhà nước tham gia điều tiết, thẩm định việc đặt hàng báo chí để bảo đảm hiệu quả tuyên truyền và đúng tôn chỉ mục đích. Sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 4 loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị...

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong chuyến công tác tại Vùng 5 Hải quân. Ảnh: LINH AN 

Thạc sĩ PHAN VĂN TÚ, Khoa Báo chí-Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh:

Điều chỉnh cho phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng

Thực tiễn báo chí truyền thông trong thời gian qua có những biến động sâu sắc để thích ứng với quá trình chuyển đổi số do sự tác động của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của internet và mạng xã hội. Chính những biến động ấy đã làm cho Luật Báo chí năm 2016 có nhiều chỗ không còn phù hợp, thiếu tính khả thi. Cụ thể như khoản 4 Điều 17 quy định: “Đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam”.

Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có số đông người sử dụng như: Facebook, YouTube, TikTok... để đáp ứng nhiều tệp công chúng mới, chuyên biệt và để nối dài, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống. Thế nhưng những nền tảng này không có máy chủ đặt tại nước ta, cũng như không có tên miền “.vn”. Vì thế, nỗ lực đưa thông tin đến với công chúng báo chí của các cơ quan báo chí trong những năm qua đã gặp phải vướng mắc pháp lý như đã nói và thực tế là tất cả cơ quan báo chí đều “vận dụng” để “lách luật”. Hay nói cách khác, Luật Báo chí năm 2016 với quy định về máy chủ trong nước, tên miền “.vn” cho hạ tầng báo chí hiện nay không còn phù hợp do sự thay đổi của nhu cầu phục vụ công chúng.

Từ ví dụ nhỏ trên, tôi cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí năm 2016 cho phù hợp với thực tiễn truyền thông trong sự bùng nổ của kỷ nguyên số, công nghệ số; phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng hiện nay. Liên quan đến quá trình hội nhập và đa nền tảng hóa báo chí, đã có nhiều vấn đề phát sinh đáng quan ngại cần được luật pháp điều chỉnh như các quy định về chính sách đối với nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cho báo chí hoạt động; các quy định liên quan đến thói quen khai thác, sử dụng sản phẩm tôn trọng sở hữu trí tuệ trên môi trường số và đặc biệt là các quy định về việc khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo tác phẩm/sản phẩm báo chí.

-------------------

Tiến sĩ NGUYỄN MINH TUẤN, Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:

Báo chí cần tham gia tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng và là diễn đàn rộng rãi của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam là lực lượng xung kích, tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Xuất phát từ những lý do trên, Luật Báo chí năm 2016 cần thiết được xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm đáp ứng các vấn đề cấp thiết đặt ra và yêu cầu quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới; thể hiện sự đóng góp tích cực của nền báo chí cách mạng Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vai trò, nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước quản lý báo chí, các cơ quan chuyên trách soạn thảo luật báo chí hiện nay là: Chủ động nghiên cứu, tích hợp các văn bản pháp lý, chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành sau khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực nhằm cập nhật, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những thay đổi của các phương tiện kỹ thuật báo chí, truyền thông mới đòi hỏi đa dạng hóa phương thức quản lý về nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Báo chí và các quy định ngoài luật phải bảo đảm sự phát triển và quản lý tốt báo chí, truyền thông; duy trì dòng chảy chính là dòng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội; đồng thời có cơ chế giao trách nhiệm, động viên, khuyến khích cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, âm mưu của các thế lực thù địch. Đây là những nội dung yêu cầu vô cùng cấp thiết, giúp định hướng phát triển báo chí trong thời gian tới, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tags: Báo chí