Tăng giờ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/1 tháng
Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Tăng nhưng không quá 60 giờ/tháng
Trước khi biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Về tăng giờ làm thêm trong tháng, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần lên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng.
Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.
Nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì tăng giờ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. (Ảnh: Lê Hà) |
Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 ý kiến tán thành phương án 1 và 5/18 ý kiến tán thành phương án 2.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tiếp thu ý kiến của đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và chỉnh lý Nghị quyết theo hướng: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Quy định rõ các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm
Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 1 năm không quá 300 giờ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm. (Ảnh: QH) |
Cụ thể gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong suốt thời gian Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết này, cá nhân ông không nhận được văn bản nào của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới để đề nghị nâng trần thời gian làm thêm giờ trong một tháng lên đến 72 giờ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, "hậu Covid-19" đang là vấn đề lớn đặt ra và không phải người lao động nào bị Covid-19 sau khi khỏi bệnh cũng có thể duy trì được trạng thái sức khỏe, tâm lý tốt để bắt tay ngay vào làm việc. Do đó, cần cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giữa lợi ích trước mắt (về kinh tế) và lợi ích lâu dài (về sức khỏe của người lao động) trong giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì tăng giờ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Quan tâm đến trần giờ làm thêm, chị Nguyễn Thị Liễu, công nhân Công ty giày Venus cho rằng, Nhà nước quyết định mức tăng không quá 60 giờ/tháng (gấp rưỡi quy định hiện nay) là hợp lý, còn nếu tăng lên 72 giờ/tháng như nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn thì quá vất vả cho người lao động. Vì nếu tính trung bình phải làm 10 giờ/ngày, thì người lao động đã phải làm thêm hơn 7 ngày/tháng rồi.
Trong thực tế, khi doanh nghiệp cần trả gấp các đơn hàng, công nhân phải tăng ca thường xuyên. Nếu không có giới hạn giờ làm thêm cụ thể thì khi nào chủ công ty yêu cầu, công nhân đều phải tăng ca, rất mệt mỏi. Điều quan trọng, theo chị Liễu là người lao động phải được quyền thỏa thuận, tự nguyện và đảm bảo trả lương xứng đáng.
Còn anh Nguyễn Văn Lực, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình bày tỏ đồng tình với việc Nhà nước quy định rõ các đối tượng không phải tăng giờ làm thêm theo quy định gồm phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ mang thai từ tháng thứ 7. "Chúng tôi cũng mong có thêm thu nhập, chia sẻ với chủ doanh nghiệp, nhưng khi con dưới 1 tuổi, người mẹ phải dành nhiều thời gian chăm con, nên không phải tăng giờ làm thêm nữa là hợp lý", anh Lực nói.
Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022, thời điểm hết hiệu lực sẽ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021của Quốc hội.