• :
  • :

Tăng giờ làm thêm: Đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người lao động

Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, tăng giờ làm thêm là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Nhiều người lao động cũng muốn có thêm thu nhập sau thời gian dài phải nghỉ việc do giãn cách xã hội, do mất việc làm. Nhưng, tăng giới hạn giờ làm thêm tối đa bao nhiêu để vừa đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động?

Tăng sự linh hoạt bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Tăng giờ làm thêm: Đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người lao động
Việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người lao động

Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…

Vì vậy, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19 là cần thiết, là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo đà phát triển trong thời gian tới; đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm hiện hành cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống.

Vì vậy, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 01 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, và số giờ làm thêm trong 01 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động

Từ thực tế công việc của một công nhân da giày, chị Phạm Thị Bình (trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho hay, cứ hai tuần làm ca ngày, chị sẽ có 1 tuần phải làm ca đêm. Vào những dịp công ty nơi chị làm việc cần trả gấp các đơn hàng, chị phải tăng ca từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. “Người lao động ai cũng muốn có thêm thu nhập, nhưng tăng ca triền miên thì khó mà đảm bảo sức khỏe. Khi công ty yêu cầu làm thêm thì công nhân không từ chối được, nên tôi mong Nhà nước tính toán quy định số giờ làm thêm ở mức độ vừa phải”, chị Bình chia sẻ.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 01 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca...), tiền lương tuân thủ theo Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Là chủ một doanh nghiệp in với 30 công nhân, anh Nguyễn Văn Lực (trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) rất quan tâm đến việc Nhà nước xem xét tăng giới hạn số giờ làm thêm. Sau thời gian dài đóng cửa các dịch vụ để phòng dịch Covid-19, khi được hoạt động trở lại, nhu cầu in ấn tăng, công ty của anh nhận được khá nhiều đơn hàng. “Khi nhiều hợp đồng cần trả khách hàng sớm, việc tuyển thêm lao động không đơn giản, nên doanh nghiệp phải huy động công nhân làm thêm. Tôi rất mong Nhà nước sửa quy định này. Tôi nghĩ, đây là nhu cầu của doanh nghiệp, cũng là quyền lợi của người lao động”, anh Lực nói.

Qua thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, về đề xuất mở rộng việc áp dụng thời giờ làm thêm 300 giờ trong 01 năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc, có ba nhóm ý kiến khác nhau.

Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc mở rộng áp dụng mức 300 giờ làm thêm trong năm với tất cả các ngành, nghề, công việc mà không có sự phân biệt tính chất đặc thù với một số ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số đối tượng lao động đặc biệt…(theo hướng loại trừ) hoặc chỉ quy định các đối tượng được mở rộng (như ngành, nghề, công việc thiếu lao động cục bộ). Nhóm ý kiến thứ ba đề nghị nếu áp dụng 300 giờ một năm cho tất cả các ngành, nghề thì cần nâng lên mức 400 giờ cho các ngành, nghề, công việc hiện đang được áp dụng mức tối đa 300 giờ.

Mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa 300 giờ/1 năm

Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với Chính phủ sự cần thiết mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa 300 giờ/1 năm. Đồng tình với nhóm ý kiến thứ hai, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng.

Cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch Covid-19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và những người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng nói trên và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần 300 giờ làm thêm trong năm.

Về nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng, Chính phủ đề xuất nâng từ không quá 40 giờ lên 72 giờ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cũng như các ý kiến tham gia thẩm tra nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng việc tăng này là quá cao. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh...

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ, và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Theo chương trình Phiên họp 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết này sẽ tiếp tục được xem xét trong đợt họp thứ 2, vào ngày 24/3 tới./.

Phương Thảo
Lượt xem: 302
Tác giả: Mai Phương Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...