• :
  • :

Tăng cường phát hiện thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường phát hiện thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các biến thể mới liên tục được ghi nhận, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia.

Thực hiện Công điện số 5/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, phân công cụ thể tới từng đơn vị số giường bệnh COVID-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 có chỉ định nhập viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Ngoài ra, bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 nhập viện để phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời hạn chế tử vong.

Ngành Y tế các tỉnh rà soát và trang bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ô xy y tế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 khi cần thiết; Tiếp tục triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế.

Trong văn bản này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyện môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh làm dịch bệnh lan rộng (đối với các ca bệnh khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID- 19).

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện trong giai đoạn này và xét nghiệm hoặc gửi xét nghiệm làm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng. nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Bộ Y tế cho biết ngày 29/1 tức mùng 9 Tết Quý Mão có 13 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày 29/1 có 6 bệnh nhân khỏi.

Từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam giảm mạnh so với cao điểm cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, chưa có ngày nào trong tháng 1 năm 2023 số ca mắc COVID-19 vượt con số 100 ca/ ngày, chỉ có 1 ngày cao nhất với 88 ca là ngày 12/1. Tiếp đó số ca mắc COVID-19 giảm dần, thậm chí có ngày chỉ ghi nhận 3 ca- ngày 23/1, thấp nhất trong 2 năm qua.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.408 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.483 ca mắc).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.612.444 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân nặng đang điều trị thở oxy.

Đây là thời điểm có số bệnh nhân nặng thấp nhất thứ 2 trong tháng 1/2023 (ngày 20/1, cả nước không còn bệnh nhân nặng nào điều trị, các ngày khác từ vài ca đến 9-10 ca/ ngày).

Lượt xem: 10
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...