Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Trước tình hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
Lực lượng chức năng làm xét nghiệm bằng test nhanh tại bếp ăn tập thể của trường học. Ảnh: Thành Nam
Trước hết, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và các văn bản liên quan đến tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, trong đó đặc biệt lưu ý Công văn số 1827 ngày 25/4/2025 và Công văn số 1914 ngày 29/4/2025 của UBND tỉnh.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cần được đẩy mạnh. Nội dung trọng tâm là nâng cao nhận thức cộng đồng về điều kiện bảo đảm ATTP, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phương pháp phòng ngừa, đặc biệt tại các khu vực như trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể, điểm du lịch và cơ sở dịch vụ ăn uống. Các hình thức truyền thông hiện đại, mạng xã hội, báo, đài… cần được tận dụng triệt để để lan tỏa thông điệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuyên truyền cần gắn liền với hướng dẫn cụ thể về cách chế biến, bảo quản thực phẩm truyền thống theo đúng tập quán địa phương nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Các Sở Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương được giao nhiệm vụ tổ chức hậu kiểm theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất khi cần thiết và theo dõi việc thực hiện công tác hậu kiểm của các đơn vị chức năng theo Kế hoạch số 05 ngày 4/2/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh.
Sở Công Thương giữ vai trò chủ trì trong việc kiểm tra thị trường, phát hiện và xử lý các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, chưa thực hiện thủ tục công bố sản phẩm hoặc vi phạm quy định về quảng cáo. Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên sàn thương mại điện tử, website bán hàng cũng cần được giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng rao bán thực phẩm vi phạm.
Sở Y tế, phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất nước uống đóng chai, dịch vụ nấu ăn lưu động…
Đặc biệt, các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP hoặc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cần bị đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Các hành vi vi phạm phải được công khai rộng rãi để cảnh báo cộng đồng.
Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thành phố phải ban hành kế hoạch cụ thể, tổ chức giám sát nguy cơ ATTP, kịp thời phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Các địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 ngày 13/4/2020 và Chỉ thị số 38 ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Người đứng đầu Ban Chỉ đạo các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm ATTP trên địa bàn.
Các địa phương cũng cần tập trung rà soát thị trường thực phẩm, kiểm tra nghiêm các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không công bố theo quy định.
Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Công tác đảm bảo ATTP là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Việc triển khai nghiêm túc các biện pháp trên sẽ góp phần hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và giữ vững niềm tin của xã hội đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.