• :
  • :

Sức sống bền bỉ của dân ca ví, giặm

Kỷ niệm 10 năm (11-2014 / 11-2024) dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là dịp để nhìn lại chặng đường bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp của một di sản đặc sắc. Vấn đề hiện nay là dân ca ví, giặm tiếp tục đi theo con đường để thích ứng, phù hợp với xã hội đương đại. Khi đó, sức sống của di sản mới được tiếp sức và bền vững sống trong lòng cộng đồng.

Hồn cốt văn hóa, con người xứ Nghệ

Xứ Nghệ, nơi biên cương của Tổ quốc xa xưa với lịch sử oằn mình đương đầu với các thế lực xâm lăng, oằn mình chống chọi với nắng lửa, đã tụ sinh bao thế hệ người Nghệ bộc trực mà tài hoa. Biết bao nhiêu người con đã sinh ra, lớn lên và trở thành những nhân vật kiệt xuất chính từ những âm sắc của dân ca ví, giặm.

Cũng giống như bất kỳ thể loại nghệ thuật dân gian nguyên thủy nào, dân ca ví, giặm xứ Nghệ là thành tựu thẩm mỹ ngân lên từ tiết tấu của đời sống lao động, sản xuất. Mặc dù chưa thể xác định được một cách chắc chắn mốc ra đời của ví, giặm nhưng những ước đoán của nhiều nhà nghiên cứu, vào khoảng thế kỷ 17-18, ví, giặm đã phát triển là hoàn toàn có thể tin cậy, bởi đây cũng là thời đại mà các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian phát triển một cách rực rỡ, với sự xuất hiện đông đảo nhà nho tài tử; thời đại mà Nguyễn Du từng khái quát là “dập dìu tài tử, giai nhân”... Từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, dân ca ví, giặm đã trở thành sân chơi phổ biến có sự góp mặt của các nhà nho, trí thức yêu nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý... Theo đó, loại hình nghệ thuật dân gian này ngày càng trở nên nhuần nhuyễn, tinh tế, phong phú trong cả ý tứ và ca từ.

Sự tài hoa, phóng khoáng của con người xứ Nghệ thể hiện ngay trong chính làn điệu của hát ví: Thường là hát tự do, không có quy phạm cho tiết tấu, khuôn nhịp, chủ yếu theo hứng thú của người hát; âm điệu cao-thấp, ngắn-dài tùy thuộc ca từ, mang sắc điệu của thể ngâm-một thể thơ cũng bùng nổ ở thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19 và sự biểu cảm tùy theo tính chất của không gian diễn xướng. Bên cạnh phần lớn là những câu hát xao xuyến ân tình, thể hiện chiều sâu của suy tư và sự phức tạp của điệu hồn, còn có những câu ví mang sắc thái hài hước, nét dáng đặc trưng tính cách người xứ Nghệ. Ngược lại, giặm dường như lại thể hiện cái bộc trực, chắc chắn, cái bảo thủ của người xứ Nghệ khi được mặc định bằng thể thơ năm chữ (ngũ ngôn), có tiết tấu, phách nhịp rõ ràng, chia khổ và đặc biệt là thường có điệp cú, nghĩa là lặp lại câu cuối của một khổ. Gần với thể loại vè dân gian, giặm nhiều khi mang nét dáng của những bản tin, phóng sự, ký sự cổ sơ ở tính tự sự và những thông tin về đời sống, nhất là các sự kiện mang tính thời sự nhưng không vì thế mà thiếu đi chất trữ tình, đôi khi là tâm tình, thủ thỉ, phân trần, giãi bày...

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) biểu diễn. Ảnh do Trung tâm văn hóa huyện Hưng Nguyên cung cấp 

Nằm trong cấu trúc của văn hóa, văn nghệ dân gian, dân ca ví, giặm hiển nhiên gắn bó với đời sống của người dân lao động, là một phần của cấu trúc đời sống nhân dân. Ở những thế hệ trước đây, hẳn không có đứa trẻ nào không từng lớn lên trong vòng tay, vòng nôi sánh đặc tình cảm quê hương qua câu ví, giặm... Câu ví, lời ca làm bền sợi vải bên khung dệt, làm uyển chuyển những ngón tay đan, làm thoăn thoắt phím tay người thợ cấy, đẩy trời thêm cao rộng để con thuyền vơi bớt nỗi niềm tất tả dòng Lam... Mỗi công việc, hoạt động sản xuất của người xứ Nghệ đều thấm đẫm hay phảng phất hơi thở giặm, ví và theo đó, là sự sản sinh các điệu ví với nội dung khác nhau: Ví phường vải, ví phường đan, ví phường nón, ví phường củi, ví đò đưa, ví trèo non, giặm kể, giặm thương, giặm ru, giặm khuyên... Trải qua bao đời, người ta đã hát, đang hát và rồi sẽ hát, say sưa trong cái nhọc nhằn của đời sống chưa bao giờ hết nhọc nhằn. Hát về cuộc sống cũng là hát về tình yêu, ví, giặm bên cạnh việc mô tả cuộc sống sản xuất, phong tục, tập quán, vẻ đẹp của quê hương, xứ sở, giáo dục tình cảm gia đình, ví, giặm hát nhiều về tình yêu đôi lứa với mọi cung bậc yêu thương và hờn dỗi, hy vọng và thất vọng, cay đắng và ngọt ngào... Nghĩa là ví, giặm góp một phần quan trọng trong việc vừa phản ánh vừa hun đúc nên nhân cách, đời sống tâm hồn con người xứ Nghệ.

Đôi khi người viết bài này hình dung, mỗi người dân xứ Nghệ đều mang trong mình một sắc thanh ví, giặm. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ví, giặm đã trở thành một phương tiện tuyên truyền hữu dụng, nhưng có biến đổi từ hình thức diễn xướng dân gian sang hình thức trình diễn nghệ thuật, mang ít nhiều tinh thần bác học. Có một số hoạt cảnh vẫn được nhớ tên cho đến ngày nay: “Ngô khoai tranh đấu”; “Hỏi ai quan trọng”; “Trước lúc lên đường”; “Thần sấm ngã”; “Giặt áo bên phà Bến Thủy”; “Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền”. Sức sống của dân ca ví, giặm không chỉ thể hiện trong đời sống của chính nó mà còn thể hiện một cách mạnh mẽ trong các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và bác học hiện đại. Dân ca ví, giặm đã gợi tứ hoặc âm hưởng của hai thể này đã tạo nên hồn cốt cho nhiều ca khúc trữ tình như: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”; “Xa khơi”; “Trông cây lại nhớ đến Người”; “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”; “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”; “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”; “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”; “Điệu ví, giặm là em”... Nhạc sĩ Ánh Dương lúc sinh thời từng nói với người viết bài này rằng nét đặc trưng chủ yếu, cũng là sức sống của tuyệt phẩm “Chào em cô gái Lam Hồng” chính là làn điệu hát giặm Nghệ Tĩnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nền văn hóa nước ta vận hành theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”, nhiều nhà thơ đã tìm đến với lối thơ năm chữ trên tinh thần thẩm mỹ của hát giặm và để lại cho lịch sử văn học những tác phẩm đáng chú ý như: “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung... trong đó, “Thăm lúa” có thể coi là bài thơ mang hồn cốt hát giặm sâu sắc hơn cả.

Ví, giặm hòa vào đời sống đương đại

Ngày 24-11-2014, Ủy ban Liên chính phủ về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO họp phiên thứ 9 tại Paris đã chính thức xem xét, vinh danh ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một thập kỷ qua, với nỗ lực của các đơn vị chức năng, các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ và đông đảo nhân dân, sức sống của dân ca ví, giặm ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt qua hoạt động lưu giữ, truyền dạy làn điệu và trao truyền cảm hứng.

Nhìn vào các hoạt động của nhiều người, cả già-trẻ, gái-trai trên mọi không gian, có thể thấy tình yêu của người xứ Nghệ đối với ví, giặm ngày càng trở nên nồng nàn, tha thiết. Ở Nghệ An đã xuất hiện nhiều người trẻ có sự gắn bó đặc biệt với dân ca ví, giặm như em Nguyễn Công Anh, 11 tuổi (huyện Nam Đàn); em Khánh Vy, 15 tuổi (TP Vinh); cô giáo Nguyễn Thanh Tâm (Trường THCS Trung Đô); cô Nguyễn Thị Trà Giang (Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương)... Việc đưa dân ca vào trường học được nhiều địa phương thực hiện một cách đồng bộ, thực chất và có phương pháp. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức trong nhà trường. Hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An phối hợp với các câu lạc bộ dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn Âm nhạc trong các trường học tạo thành phong trào người người hát dân ca. Cũng hằng năm, vào dịp Lễ hội Làng Sen, các đơn vị từ cơ sở đến cấp tỉnh ở Nghệ An đều tổ chức hội thi dân ca ví, giặm. Nhờ đó, những nhân tố mới không ngừng được phát hiện.

Vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, trên không gian phố đi bộ Hồ Tùng Mậu và Quảng trường Hồ Chí Minh cao rộng, các thành viên câu lạc bộ dân ca ví, giặm không chỉ ở TP Vinh và phụ cận mà ở cả các huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu... đều tụ hội tái hiện không gian và hình thức diễn xướng loại dân ca này. Có những nghệ nhân, nghệ sĩ mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài tận hiến cho nỗ lực bảo tồn dân ca ví, giặm như: Cao Xuân Thưởng, Nguyễn Lê, Hồng Vân...

Rất nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm ra đời, nhất là trong 10 năm trở lại đây ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ở vùng văn hóa xứ Nghệ, thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể đắc dụng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của vùng và của dân tộc. Với tinh thần ấy, với “đà sống” hiện tại, chắc chắn trong tương lai, dân ca ví, giặm sẽ ngày càng phổ biến, mỗi người dân xứ Nghệ sẽ là một thành viên của công cuộc bảo tồn giá trị di sản đặc sắc này.

Tiến sĩ LÊ THANH NGA, Trường Đại học Vinh

Tags: dân ca
Lượt xem: 5
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...