Quốc hội “chốt” chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu, không cấm dạy thêm với nhà giáo
Bên cạnh không cấm dạy thêm, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm, giáo sư nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Những điều không được làm, chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu với nhà giáo được quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua sáng 16/6, với tuyệt đại đa số đại biểu có mặt tán thành.
Cấm phát tán thông tin quy kết trách nhiệm của nhà giáo khi chưa có kết luận
Theo luật được thông qua, nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học.

Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua sáng 16/6. Ảnh: Đ.X
Nhà giáo cũng không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Họ không được lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua luật, quy định về những việc nhà giáo không được làm, nhất là vấn đề liên quan đến dạy thêm được đặc biệt quan tâm.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm nhà giáo dạy thêm trái quy định pháp luật, cấm dạy thêm học sinh mà nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy; làm rõ hơn việc tổ chức, cá nhân không được đăng tải, phát tán thông tin về nhà giáo.
Nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật không cấm dạy thêm, chỉ quy định nhà giáo không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” nhằm khắc phục tình trạng dạy thêm tràn lan.
“Yêu cầu nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy hiện đã quy định trong thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Vinh nói.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, luật được thông qua đã quy định tổ chức, cá nhân không được “đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền”.
Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Điều mới đáng chú ý nữa khi luật quy định rõ chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo.
Cụ thể, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Họ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thì tiền lương thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Khi thảo luận về dự thảo luật trước đó, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; bảo đảm công bằng về lương giữa nhà giáo khu vực công lập và khu vực ngoài công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Đ.X
Vấn đề này, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định nhà giáo được hưởng lương, phụ cấp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách nhà giáo; không trái với tinh thần cải cách chính sách tiền lương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, quy định chi tiết về tiền lương và phụ cấp với nhà giáo, bao gồm hệ số, mức lương khởi điểm, cơ chế xếp lương cho nhà giáo trong cơ sở giáo dục đã thực hiện tự chủ... sẽ được Chính phủ quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính linh hoạt, khả thi và tương quan, công bằng với viên chức trong hệ thống chính trị.
“Còn về tiền lương của nhà giáo khu vực ngoài công lập cần theo nguyên tắc thoả thuận”, ông Vinh nhấn mạnh.
Thực tế, để thu hút đội ngũ nhà giáo giỏi, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập sẵn sàng trả mức lương, thu nhập cao hơn nhiều so với mức lương hiện hưởng của nhà giáo trong khu vực công lập có cùng trình độ, cùng chức danh.
Để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc trả lương cho nhà giáo căn cứ vào điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định như dự thảo luật.
Giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm, giáo sư nghỉ hưu ở tuổi cao hơn
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi. Trường hợp có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù thì có thể hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Chế độ này được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu; nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục.
Luật cũng quy định rõ thời gian làm việc của nhà giáo nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Cụ thể, không quá 5 tuổi với nhà giáo có trình độ tiến sĩ; không quá 7 tuổi với nhà giáo có chức danh phó giáo sư; không quá 10 tuổi đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
Trong thời gian thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ quản lý.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết quy trình, thủ tục nghỉ hưu ở tuổi cao hơn; chế độ, thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo ở ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Luật Nhà giáo có 42 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.