Quá chậm trễ chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 - nhà trường lo lắng, phụ huynh sốt ruột
Ngay khi năm học cũ kết thúc, các trường phải bắt tay vào công tác chuẩn bị cho năm học mới, nhất là việc thông tin đến phụ huynh học sinh về sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên lúc này đều đang lo lắng, sốt ruột vì thiếu thông tin về SGK, đặc biệt là thông tin các bộ sách lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các nhà xuất bản "ngồi chờ" in SGK
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cùng với việc đảm bảo tiến độ năm học, các địa phương thực hiện lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 4, 8, 11 và phải hoàn thành 4 tháng trước ngày khai giảng năm học mới. Có nghĩa, trước ngày 5.5, các địa phương phải hoàn tất việc chọn sách và báo cáo danh mục SGK lựa chọn về Bộ GDĐT, cũng như gửi số lượng sách được chọn về các đơn vị xuất bản để kịp thời tổ chức in ấn, phát hành SGK cho năm học mới.
Cô Lê Thị Hằng - Giáo viên THCS tại tỉnh Thanh Hoá liên tục nhận được câu hỏi từ phụ huynh, học sinh thông tin về sách giáo khoa cho năm học tới.
Hà Nội là địa phương đã hoàn thành và công bố danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 sử dụng trong năm học tới. Dù vậy, nhiều phụ huynh tỏ ra sốt ruột khi đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của nhà trường về các đầu mục sách giáo khoa cho năm học tới.
Liên quan vấn đề này, trong buổi báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Trụ sở Chính phủ ngày 10.5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đã có 37/63 tỉnh, thành phố chọn xong SGK lớp 4, 8, 11.
Như vậy, quá thời hạn ngày 5.5 vẫn còn 26 địa phương chưa thực hiện xong việc này.
Theo ghi nhận của Lao Động, hiện đã gần hết tháng 5, nhưng các đơn vị xuất bản, phát hành vẫn chưa nhận được danh mục và số lượng sách cần cung ứng do các địa phương gửi về.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết, nhà xuất bản đang triển khai in trên cả nước đối với các sách giáo khoa tái bản; chuẩn bị sẵn vật tư để tiến hành in sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 ngay khi có kết quả lựa chọn của các địa phương. Nhưng khó khăn hiện nay là vẫn phải chờ các địa phương gửi số lượng sách cần cung ứng về để kịp phát hành sách trước ngày 15.6.2023.
Chậm trễ - trách nhiệm của các sở GDĐT
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đến thời điểm này mà gần một nửa số tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc lựa chọn SGK mới cho các lớp 4, 8, 11 và hầu hết các tỉnh, thành phố chưa đăng kí số lượng sách với các đơn vị xuất bản, phát hành là quá chậm trễ.
“Trách nhiệm này trước hết thuộc về Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và cơ quan tham mưu, giúp việc cho Uỷ ban nhân dân là các Sở GDĐT. Bộ GDĐT cũng có trách nhiệm vì không giám sát và đôn đốc các tỉnh, thành phố hoàn thành công việc đúng tiến độ” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nêu quan điểm.
Bà Thuý cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh rằng nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên. Có một địa phương tổ chức biên soạn bộ sách riêng, do đó chỉ chọn sách của mình, chặn đứng các bộ sách khác.
Tình trạng trên càng phổ biến và trầm trọng hơn khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019. “Thông tư 25 tuy có hướng dẫn quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỉ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy. Thông tư cũng không hề quy định chế tài xử lí những hành vi tiêu cực hoặc vi phạm quyền dân chủ của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách” - bà Thuý phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cho biết, trên thực tế, Bộ GDĐT và thanh tra ở các địa phương buông lỏng kiểm tra, thanh tra và xử lí vi phạm trong hoạt động này. Gần đây, do Quốc hội tiến hành giám sát về việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, một số địa phương chống đỡ bằng cách phê duyệt những danh mục gồm tất cả các bộ SGK nhưng việc chỉ đạo thực hiện chọn sách trong danh mục ấy như thế nào thì phải kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt.
“Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lí những hiện tượng chạy chọt, đi đêm rồi có ngày hối không kịp. Điều đáng lo ngại nhất là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan chẳng những không khuyến khích được sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành SGK mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hoá, thậm chí xoá bỏ việc xã hội hoá trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ” - bà Thuý nêu quan điểm.