• :
  • :

Ninh Bình thực hiện lời dạy của Bác

Từ tháng 1-1946 đến tháng 7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm Ninh Bình. Những lời căn dặn cùng tình cảm, sự quan tâm của Bác đã trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình không ngừng phấn đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, ra sức thi đua, đẩy mạnh sản xuất, từng bước xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Vinh dự 5 lần đón Bác Hồ về thăm

Trong khoảng 15 năm, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình vinh dự và tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Ngày 13-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và cán bộ, nhân dân thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn; ngày 10-2-1947, Bác về dự và chủ trì Hội nghị điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình do Bộ Canh nông tổ chức tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan; ngày 15-3-1959, Người về kiểm tra và động viên công tác chống hạn tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh; ngày 18-10-1959, Bác về dự và chỉ đạo Hội nghị sản xuất vụ đông-xuân năm 1959-1960 và về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao, ngày 20-7-1960.

Mỗi lần được đón Bác là vinh dự to lớn không chỉ đối với địa phương, đơn vị Bác đến thăm mà là niềm vui chung, vinh dự lớn lao đối với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình và những lời căn dặn của Bác chính là nhiệm vụ cách mạng mà Bác mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình cần tập trung thực hiện.

Ninh Bình trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.  

Những lời căn dặn của Bác về đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết lương-giáo; thi đua sản xuất, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội; thực hành tiết kiệm đều là những vấn đề căn cốt mà Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn khắc ghi và thực hiện tốt để vươn lên, phát triển vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

Khắc ghi lời dạy của Bác, cùng với việc thực hiện những điều căn dặn của Bác trong Di chúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng với nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kháng chiến thành công, nhân dân Ninh Bình tích cực khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Đặc biệt, từ sau khi được tái lập (năm 1992) đến nay, tỉnh Ninh Bình đã vươn lên giành được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.

Phát triển kinh tế theo hướng nhanh, mạnh và bền vững

Qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn như: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, lấy công nghiệp làm chủ đạo; phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã định hình rõ quan điểm phát triển kinh tế theo hướng nhanh, mạnh và bền vững, tập trung vào 3 trụ cột động lực để tăng trưởng kinh tế: Công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tiên tiến; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2035, xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển, giữ vững địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh.

Nhờ những chủ trương đúng đắn, kinh tế của tỉnh Ninh Bình đã đạt được mức tăng trưởng khá qua các giai đoạn. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Ninh Bình tự cân đối được ngân sách và có điều tiết ngân sách về Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, là cơ cấu vàng khi công nghiệp, xây dựng và dịch vụ xấp xỉ 90%, chủ yếu là công nghiệp xanh, sạch. Du lịch Ninh Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhất là từ sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (năm 2014) đã mở ra cơ hội lớn đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Đặc biệt, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ninh Bình có sự nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thực chất, do đó, đã đem lại nhiều kết quả nổi bật. Năm 2022, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 1 trong 20 tỉnh, thành phố thực hiện kết nối chính thức để khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số. Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Ninh Bình đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 44,07 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc; chỉ số đổi mới, sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 16/63; chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19/63.

Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng tình cảm và những lời căn dặn của Người vẫn luôn được khắc ghi trong tâm khảm và trái tim của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân dân Ninh Bình, trở thành động lực lớn lao trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: AN BÌNH

Tags: Ninh Bình
Lượt xem: 15
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...