Những điều cần đặc biệt lưu ý về sốt xuất huyết ở trẻ
Các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, do đó cha mẹ thường chủ quan và tự điều trị cho trẻ. Đến khi không thuyên giảm, trẻ mới được tiếp cận y tế thì bệnh đã tiến triển và có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người thông qua muỗi đốt, không lây trực tiếp khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. Muỗi truyền bệnh này có tên khoa học là Aedes Agyptie (dân gian hay gọi là muỗi vằn vì có những vằn trắng đen trên chân và thân của muỗi). Môi trường ưa thích của muỗi là ở những khu vực có nhiều người sinh sống, khu dân cư đông đúc.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng tại các dụng cụ chứa nước, đặc biệt là nước đọng trong nhà và khu vực quanh nhà (thùng bỏ không, rác thải, lốp xe hỏng, chai lọ, vỏ dừa, hoặc các lá cây không được quét dọn đọng nước mưa…). Chỉ sau 1 – 3 ngày trứng sẽ phát triển thành bọ gậy.Bọ gậy phát triển thành loăng quăng trong vòng 5 -8 ngày.
Sau khoảng 2 – 3 ngày tiếp theo, loăng quăng sẽ phát triển thành muỗi con, rồi phát triển thành muỗi trưởng thành. Trong suốt quãng đời sinh sống, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng.
Muỗi trưởng thành thường sống trong những chỗ tối, ẩm của ngôi nhà (tủ, gầm giường, sau rèm…,) đó là vì ở những chỗ đó, muỗi có thể tránh gió, mưa, giúp chúng sống lâu hơn. Muỗi thường đốt người vào ban ngày cao điểm là sáng sớm và chiều tối. Chỉ muỗi cái mới đốt người vì chúng cần protein để đẻ trứng.
Trong bất kỳ môi trường nào đều có sự có mặt của con người. Phạm vi hoạt động của muỗi trong bán kính khoảng 100 m. Do vậy trong khu phố có người bị mắc bệnh sốt xuất huyết thì nguy cơ những người khác cùng khu phố sẽ bị nhiễm do bị muỗi đốt.
Biến chứng của sốt xuất huyết
Sau khi bị muỗi đốt khoảng 1 – 2 tuần, người mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bệnh diễn tiến theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn sốt: Sốt có thể nhẹ hoặc sốt cao, đáp ứng với thuốc hạ sốt kém khiến phụ huynh sẽ rất lo lắng. Sau 3 ngày sốt thì nhiệt độ sẽ giảm. Kèm theo có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau sau hốc mắt, có thể ửng đỏ dạ…
Giai đoạn nguy hiểm: sau 3 ngày sốt, nhiệt độ giảm dần. Một số trường hợp thấy khoẻ hơn, tuy nhiên, có 1 số trường hợp mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi hơn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, và nôn sau ăn uống. Nặng hơn nữa có biểu hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu, tiêu phân có máu, tay chân lạnh, nổi bông, sốc và truỵ tim mạch
Giai đoạn hồi phục: từ ngày từ 6 trở đi, trẻ tỉnh táo hơn, ăn ngon miệng, thèm ăn, da nổi những mảng đỏ hồi phục, ngứa.
Biến chứng nặng của sốt xuất huyết xảy ra từ ngày 3 đến ngày 6 kể từ ngày sốt đầu tiên. Biến chứng đó bao gồm chảy máu nặng, truỵ tim mạch, và tổn thương đa cơ quan (gan, tim, thận, não…) và có thể diễn tiến tử vong nhanh chóng.
Phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ như thế nào?
Vì là bệnh chưa có vaccin phòng ngừa nên bất cứ ai bị muỗi đốt lây bệnh cũng có thể bị mắc bệnh và nguy cơ diễn tiến nặng. Vì vậy các biện pháp sau đây nhằm hạn chế các nguy cơ mắc và diễn tiến nặng của bệnh bao gồm:
Không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, chỉ một chiếc nắp chai cũng đã chứa đủ nước cho muỗi sinh sản và khuyến cáo người dân hãy chung tay loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng 5 cách đơn giản sau:
Cọ rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước, đổ hết nước khi không dùng đến.
Cọ rửa bình hoa, chậu cây và thay nước cho hoa.
Vệ sinh cống và máng xối.
Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.
Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào.
WHO khuyến cáo, muỗi gây sốt xuất huyết sinh sản ở các dụng cụ chứa nước như lốp xe, chai, lọ, lon, hũ và vỏ dừa. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết này khỏi nhà và xung quanh nhà. Tháo nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần để bảo vệ bạn và gia đình khỏi sốt xuất huyết
Hạn chế muỗi đốt
Làm vệ sinh nhà cửa, thông thoáng để tránh muỗi lẩn trốn và đốt
Mặc quần áo màu sáng sẽ giúp muỗi ít đến hơn
Lau mồ hôi thường xuyên. Mùi mồ hôi đôi khi là yếu tố hấp dẫn muỗi đến đốt, do vậy cần hạn chế ra mồ hôi hoặc lau mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ giúp ít bị muỗi đốt hơn
Sử dụng những mùi hương tự nhiên để xua đuổi muỗi hoặc không cho muỗi lại gần. Có thể những tinh dầu xả, tỏi, cam quýt, bạc hà xông không khí trong nhà, hoặc sử dụng những tinh dầu bôi lên quần áo, lên da an toàn cho trẻ
Sử dụng những thuốc diệt muỗi, nhang chống muỗi hoặc nằm mùng chống muỗi, tuy nhiên bất tiện và không sử dụng thường xuyên được
Phát hiện bệnh sớm và nhập viện sớm
Với sự phát triển về xét nghiệm hiện nay có thể phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ngay từ ngày đầu của bệnh. Xét nghiệm NS1 Ag (phát hiện kháng nguyên của siêu vi trong máu bệnh nhân) có thể phát hiện nhiễm sốt xuất huyết từ ngày sốt đầu tiên.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phát hiện được bệnh bằng xét nghiệm này, có 1 số trường hợp mặc dù âm tính vẫn có thể bị mắc sốt xuất huyết. Vì vậy, luôn cần đi khám tại các cơ sở y tế các trường hợp bé có sốt > 2 ngày để được khám, xét nghiệm và dặn dò các dấu hiệu nặng cần khám ngay. Các biểu hiện nặng cần khám ngay là:
Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đẹn.
Đau bụng, nôn ói, nhợn ói nhiều. Ăn uống ít và không thể uống nước.
Mệt mỏi nhiều hơn, đi tiểu ít, tay chân lạnh.
Khó thở, xanh tím, da nổi bông
Trong trường hợp không có dấu hiệu nặng cần chăm sóc trẻ tại nhà. Uống hạ sốt khi sốt, mỗi lần có thể dùng paracetamol 10 – 15mg/kg/lần. Chỉ cần giảm nhiệt độ sau khi uống chứ không cần phải hoàn toàn hết sốt sau khi uống.
Bổ sung nước uống cho trẻ nhiều hơn, uống nước nhiều lần, mỗi lần ít một. Uống nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây. Hạn chế uống nước có gaz, có màu đỏ, màu đen để tránh lầm lẫn với ói ra máu nếu bé bị nôn ói.
Ăn đồ mềm, đồ lỏng, đồ dễ tiêu, với lượng ít một, nhiều bữa trong ngày. Hạn chế ép trẻ ăn nhiều vì nguy cơ làm nôn ói. Tắm rửa bình thường, mặc đồ thoáng mát nhằm giảm nhiệt cho bé. Tránh cắt lễ, cạo gió hoặc những thuốc tự uống không theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Theo báo cáo giám sát dữ liệu sốt xuất huyết các tỉnh thành phía Nam, năm 2021 là năm dịch COVID-19 chiếm ưu thế trong mô hình bệnh tật, tổng số trường hợp mắc sốt xuất huyết chung ở tất cả nhóm tuổi giảm 32% so với năm 2020.
Tuy nhiên tỉ lệ trẻ em mắc sốt xuất huyết/ tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue năm 2021 lại có xu hướng tăng so với năm 2020 (tương ứng 51% so với 43.8%).
Tỷ lệ bị sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em là 2.6%, tăng so với năm 2020 (1.8%). Tỷ lệ tử vong/ sốt xuất huyết nặng ở trẻ em là 2.3%, cũng cao hơn năm 2020 (1.9%).