• :
  • :

Nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ thuốc lá mới

Hiện nay, do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, tiếp cận giới trẻ và dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí cho điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm

Nhấn mạnh về những nguy hiểm mà thế hệ trẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt khi sử dụng các loại thuốc lá mới, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: “Sẽ không thể kiểm soát được việc những người trẻ tuổi sử dụng ma túy, nếu chúng ta mở đường cho thuốc lá điện tử. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp cấp bách, bởi nếu chờ tới khi có luật thì sẽ là rất muộn".

Ông Nguyễn Trọng Khoa thông tin, 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8% (theo một nghiên cứu của Bệnh viện K). Khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

 Một bệnh nhân nữ điều trị do ngộ độc thuốc lá điện tử tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TRUNG NGUYÊN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu thiếu các giải pháp trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên vào nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng. Biểu hiện nhẹ thì lơ mơ, rối loạn ý thức, kích động, la hét, ảo giác, không kiểm soát được hành vi...; trường hợp nặng rơi vào hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, đột quỵ não... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trong thuốc lá điện tử có các thành phần hóa chất, ma túy. Những chất này trong thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.

Giám đốc Trung tâm Chống độc khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe. Những loại thuốc lá này mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Vì vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này. Hiện nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử (như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore...). Điển hình, Trung Quốc là quốc gia phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất thế giới nhưng đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử từ tháng 10-2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử). 

Vì một thế hệ khỏe mạnh

Chia sẻ với báo chí, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm và cần khẩn trương ngăn chặn kịp thời. Điều này sẽ tránh cho thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới.

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chuyên gia pháp chế cho rằng, cần quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

“Nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, mà còn tạo cơ hội cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác", bà Đinh Thị Thu Thủy khuyến nghị.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, tác hại cả lâu dài và trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá trong những năm gần đây. Chính vì vậy, WHO khuyến nghị Quốc hội Việt Nam cần sớm ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng; cấm quảng cáo cũng như khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam.

DIỆP CHÂU

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết