• :
  • :

Nhà ở xã hội - chính sách đúng nhưng chưa hiệu quả

Vừa qua, một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội được mở bán với số lượng chỉ hơn 200 căn hộ nhưng có đến hàng nghìn người dân nộp hồ sơ. Vì số lượng nhà có hạn, nhu cầu lại quá cao, nhiều người cùng đủ tiêu chuẩn nên phải quyết định quyền được mua nhà thông qua hình thức bốc thăm may rủi. Điều này phản ánh thực tế nguồn cung nhà ở xã hội quá ít. Hệ quả trên cho thấy chính sách nhà ở xã hội tuy đã được ban hành nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Yếu tố đầu tiên và có tính chất quyết định đến việc hình thành nhà ở xã hội là bố trí quỹ đất. Những năm gần đây, số dự án nhà ở xã hội tại khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số dự án tại ngoại vi thành phố, dù đã hoàn thành, sẵn sàng đón cư dân nhưng qua nhiều lần mở bán không thu hút được người dân do xa trung tâm, đi lại khó khăn.

Nhà ở xã hội muốn thu hút được người mua cần bảo đảm giao thông kết nối, hạ tầng đồng bộ. Nếu tiếp tục đẩy dự án nhà ở xã hội ra xa trung tâm thành phố thì càng xây dựng nhiều càng dẫn đến tình trạng nơi dư thừa, nơi mỏi mắt tìm không thấy. Như vậy, mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội về đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp ở đô thị vẫn không thực hiện được.

Dự án chung cư nhà ở xã hội D7-D10 (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ảnh: TTXVN

Để khắc phục những bất cập đã xảy ra, việc bố trí quỹ đất cho dự án nhà ở xã hội cần được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch đô thị. Trong đó, cần xác định rõ nơi triển khai dự án, gắn với đầu tư hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Cần tránh sự chênh lệch quá lớn giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Đừng để nơi có vị trí tốt chỉ thấy mọc lên những chung cư, biệt thự cao cấp còn nhà bình dân lại ở chỗ “đồng không mông quạnh”.

Bên cạnh đó, hiện nay, mô hình khu nhà ở xã hội tập trung đang được một số địa phương nghiên cứu, triển khai. Việc hình thành các khu đô thị quy mô lớn về nhà ở xã hội sẽ hạn chế được những dự án nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện đầu tư đồng bộ hạ tầng. Không chỉ là nơi ở mà còn có trường học, bệnh viện, siêu thị... cung cấp cho người dân các dịch vụ thiết yếu. Mô hình này cũng phù hợp với các địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội. Thay vì mỗi dự án bất động sản thương mại dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội, chủ đầu tư có thể đóng tiền vào quỹ để phát triển nhà ở, dùng nguồn kinh phí này triển khai khu đô thị nhà ở xã hội.

Công tác giải phóng mặt bằng để tạo lập quỹ đất của nhà ở xã hội cũng cần được chú trọng hơn, không nên khoán trắng cho nhà đầu tư. Có không ít trường hợp nhà đầu tư nhiều năm chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, không có đất sạch để triển khai xây dựng khiến dự án đình trệ, gây lãng phí nguồn lực đất đai và bức xúc trong xã hội. Giải pháp tối ưu nhất là địa phương giải phóng mặt bằng, tạo lập quỹ đất sạch sau đó kêu gọi đầu tư. Điều này giúp dự án triển khai được ngay, đồng thời, cùng với các chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất sẽ giảm chi phí, đưa giá nhà về mức phù hợp với đại bộ phận người dân. Từ đó, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được mở rộng. Khi có nguồn cung, người dân mới có nhu cầu vay vốn mua nhà, các gói tín dụng ưu đãi mới phát huy được ý nghĩa, chính sách sẽ không còn nằm trên giấy mà thực sự đi vào cuộc sống.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết