• :
  • :

Nhà giáo ưu tú dành trọn tâm huyết với học trò khuyết tật

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt và các thế hệ học trò không may bị khuyết tật, Nhà giáo Ưu tú Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sưởi ấm trái tim các em bằng tình yêu thương.

Chính cô cũng là người góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn.

Tận tâm gây dựng nền móng

Cô Lê Thanh Hà là một trong số ít giáo viên còn công tác tại trường tính từ những ngày đầu ngôi trường mới được thành lập (năm 1993).

Chia sẻ về những khó khăn, bỡ ngỡ từ ngày đầu ấy, cô Hà cho biết: “Trường xây dựng mô hình hoàn toàn mới khi chăm sóc và giáo dục học sinh bình thường và học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập. Chương trình giảng dạy mới dành riêng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ; đội ngũ mới với các giáo viên, nhân viên tuyển từ các nơi về”.

Nhà giáo ưu tú dành trọn tâm huyết với học trò khuyết tật
Nhà giáo ưu tú Lê Thanh Hà và các em học sinh trường Tiểu học Bình Minh

Không ngại khó, đội ngũ giáo viên nhà trường bắt tay vào tu bổ, xây dựng, sửa chữa để có cơ sở vật chất khang trang, phù hợp nhất với mô hình được giao. Ban Giám hiệu và các giáo viên tự nghiên cứu, tìm tòi nội dung, phương pháp giảng dạy của các chuyên gia trong, ngoài nước cho đối tượng trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Hiện Trường Tiểu học Bình Minh có khoảng 300 học sinh, chia thành 2 khối là giáo dục Tiểu học hòa nhập và giáo dục đặc biệt. Trong đó, riêng học sinh hòa nhập là trên 200 em và được chia về các lớp khác nhau tùy theo mức độ khuyết tật.

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Không có giáo trình riêng dành cho trẻ khuyết tật, nhà trường đã tự biên soạn, lựa chọn tư liệu phù hợp để dạy cho từng đối tượng. Các giáo viên bám vào nội dung chương trình, sách giáo khoa mới để chọn lọc nội dung thích hợp dạy cho trẻ hòa nhập.

Trưởng thành từ vị trí giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn rồi được nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Tiểu học, Hiệu trưởng phụ trách trường, cô Hà cần mẫn mày mò những phương pháp, cách làm để nhà trường hoạt động hiệu quả, trở thành ngôi nhà chung tràn đầy tình thương yêu đối với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Trong tâm trí của vị nữ Hiệu trưởng, dù ở vai trò giáo viên hay quản lý thì tấm lòng yêu thương dành cho học trò không bao giờ vơi. Để giáo dục học sinh bình thường đã vất vả, nhưng với trẻ khuyết tật học hòa nhập, nỗi gian nan dường như tăng lên gấp bội.

Khó khăn ấy càng đòi hỏi các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết và yêu trẻ mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ thành thạo kỹ năng chuyên môn, các thầy cô còn phải kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các em.

Sáng tạo trong quản lý, giảng dạy

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất với thầy và trò nhà trường. Phải dạy học online, mỗi học sinh được thầy cô dạy theo cách riêng. Với học sinh khuyết tật nặng và khả năng nhận thức kém, bên cạnh việc dạy các môn Toán, Tiếng Việt, phụ huynh đăng ký chọn môn học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh. Dựa trên số lượng phụ huynh đăng ký ở từng môn, trường sẽ thành lập những câu lạc bộ riêng để thầy trò cùng học với nhau qua ứng dụng Zoom.

Cô giáo Lê Thanh Hà đã chỉ đạo giáo viên linh hoạt các phương pháp khi dạy trực tuyến cho học sinh để đạt kết quả tốt nhất có thể. Theo đó, ngoài thời khóa biểu học trực tuyến chung, giáo viên một số lớp dành ra 2 buổi để kèm riêng cho các em hòa nhập. Mỗi tiết chỉ kéo dài từ 25-30 phút. Với môn Tiếng Việt chỉ có thể dạy các em biết đọc và hiểu những câu đơn giản. Toán học tới bảng cộng, trừ trong phạm vi 20, các em chỉ cần nhớ được số là đạt.

Với chương trình mới, trẻ hòa nhập học lớp 2 lại càng vất vả vì cần nhiều thời gian hơn so với trẻ thường. Mỗi em lại có khả năng nhận thức ở từng môn khác nhau nên giáo viên phải dạy bằng cái tâm của nghề và quan tâm đến từng học sinh.

“Ở đây, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều hiểu rõ tính nết của từng học sinh. Chúng tôi tạo sự tin tưởng cho các con bằng sự quan tâm thực chất từ trong tâm của mình. Có nhiều gia đình cho rằng con rất khó bảo, nhưng khi giáo viên yêu cầu thì con lại phối hợp rất tốt”, cô Hà chia sẻ.

Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường, do đó ngay khi nhận học sinh vào học, nhà trường đã giúp đỡ các phụ huynh biết chấp nhận thực tế của con mình, từ đó hỗ trợ, trợ giúp con. Nhà trường đã có những đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt bằng các phương pháp như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, phương pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phương pháp động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ…

Với mỗi học sinh đặc biệt trong khối học sinh chậm phát triển trí tuệ tại Trường Tiểu học Bình Minh, nhà trường xác định không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào, mà luôn phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và theo từng năm học…

Cô giáo Lê Thanh Hà chia sẻ: “Nhà trường mong muốn có một bộ giáo trình riêng để dạy cho học sinh khuyết tật học hòa nhập. Hiện chúng tôi mới chỉ xây dựng được khung chương trình chung để các giáo viên triển khai linh hoạt, bởi học sinh của trường khá đa dạng về mức độ khuyết tật”.

Sự tâm huyết với nghề và tình yêu thương học sinh của cô đã trở thành tấm gương để đội ngũ giáo viên trong trường học tập, ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi bằng chính trái tim mình. Điều ấy đã giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn...

Lượt xem: 21
Tác giả: Ngọc Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...