• :
  • :

Ngành có tính cạnh tranh cao sẽ tuyển bằng phương thức thi riêng

Ngày 24-7, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội sẽ công bố kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Đây cũng là thời điểm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) được công bố. PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội đã gợi ý một số cách làm trong đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học, đồng thời khẳng định các ngành có tính cạnh tranh cao sẽ dần chỉ tuyển sinh bằng phương thức thi riêng.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Trường ĐHBK Hà Nội vừa tổ chức thành công kỳ thi đánh giá tư duy, với sự tham dự của hơn 7.100 thí sinh. Việc tổ chức một kỳ thi riêng như vậy có ý nghĩa như thế nào?

 PGS, TS Nguyễn Phong Điền.

PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Việc chủ động tạo ra một kỳ thi tuyển sinh đầu vào, ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là mong muốn từ lâu. Điều này rất quan trọng. Trong nhiều năm, trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi, công tác chuẩn bị và truyền thông để lần đầu tổ chức thi đánh giá tư duy vào năm 2020. Tuy nhiên, năm nay lần đầu tiên trường điều phối, chủ trì và chia sẻ dữ liệu xét tuyển cùng 20 trường đại học khác. Đề thi được kỳ vọng có tính phân hóa để tạo nguồn tuyển tốt cho các trường đại học, đặc biệt cho khối các trường chuyên ngành kỹ thuật. Như vậy, các trường có thể hoàn toàn yên tâm thí sinh được chọn lựa sẽ có đủ năng lực học tập, miễn là các em cố gắng và chăm chỉ.  

PV: Ông cho biết rõ hơn về tính phân hóa của đề thi?

PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Đặc trưng của một đề thi về mức độ dễ, khó thường chia thành 3 bậc: Thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nếu quan sát đề thi THPT, những câu hỏi thông hiểu (mức dễ) chiếm khoảng 50%, thì ở đề thi tư duy những câu hỏi này chỉ là 20%. Phần vận dụng và vận dụng cao được gia tăng. Đây là mấu chốt của việc phân hóa. Chỉ những thí sinh xuất sắc mới làm được. Việc thiết kế bài thi đọc hiểu giúp thí sinh thể hiện khả năng thông qua hiểu ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và tư duy logic, cách trình bày. Những nội dung đó mang tính phân loại cao hơn rất nhiều so với các kỳ thi khác. Vì vậy, kỳ thi đánh giá tư duy của trường sẽ không có nhiều điểm 9, điểm 10 và điểm chuẩn quá mức 27 điểm.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

PV: Với những ưu việt của kỳ thi đánh giá tư duy, liệu các năm tới nhà trường còn dành chỉ tiêu cho những thí sinh theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Đây là nội dung rất quan trọng vì ảnh hưởng đến việc phân bổ chỉ tiêu và điểm xét tuyển của Trường ĐHBK Hà Nội. Chúng tôi luôn mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy làm nền tảng. Tuy nhiên cũng phải xét đến yếu tố bảo đảm quyền lợi thí sinh ở mọi miền đất nước. Các năm tới, nhà trường dành từ 20% đến 30% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tùy theo ngành và lĩnh vực, chỉ tiêu có thể điều chỉnh đôi chút. Thí sinh cần lưu ý những ngành có tính cạnh tranh cao như: Tự động hóa, công nghệ thông tin, đến một thời điểm nào đó nhà trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu cho thi đánh giá tư duy để chọn nguồn tuyển chất lượng. Điều này bảo đảm quyền lợi của người học thông qua việc chủ động xác lập chuẩn đầu vào, bảo đảm người học có đủ năng lực theo học và thành công trong quá trình học của nhà trường.

PV: Thời điểm thí sinh biết kết quả kỳ thi tư duy cũng trùng với điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT được công bố. Điểm mới năm nay là thí sinh sau khi biết điểm mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. Các em nên đăng ký thế nào để bảo đảm quyền lợi tốt nhất?

PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Chính sách mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ưu tiên cho thí sinh, các trường gánh thêm một phần khó khăn về mình. Khi biết kết quả, căn cứ trên các điều kiện của từng phương thức, các em hoàn toàn có thể cân nhắc nhưng lưu ý một số nguyên tắc: Thứ nhất, số lượng nguyện vọng là không hạn chế, do đó hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất của mình lên trên và ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống dưới. Điều này rất quan trọng. Các em không nên đưa ưu tiên nguyện vọng 1 hay 2 với những ngành mà mình chắc chắn đỗ. Điều đó sẽ làm giảm cơ hội, hãy ưu tiên những ngành nào mà các em yêu thích, có sở trường và năng lực tốt nhất. Thứ hai, căn cứ vào quy chế của từng trường có thể giới hạn và những yếu tố phụ về điều kiện xét tuyển. Ví dụ ở Trường ĐHBK Hà Nội, thí sinh phải có học lực nhất định trong 3 năm học THPT mới được đăng ký xét tuyển. Vì vậy, các em hết sức lưu ý những điều kiện đó để tránh lãng phí một nguyện vọng. Trong trường hợp một nguyện vọng kế trên bị trượt thì không ảnh hưởng đến khả năng trúng tuyển ở nguyện vọng dưới, chỉ cần căn cứ vào kết quả học lực của các em. Việc này nói lên nhiều điều là các em phải hết sức cân nhắc, cố gắng tìm hiểu, đặc biệt là các kênh tư vấn chuyên sâu.

PV: Những năm tới, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở cấp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tuyên bố sẽ thay đổi hoàn toàn cách thi tốt nghiệp THPT. Liệu kỳ thi đánh giá tư duy có điều chỉnh gì không, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Đề thi của kỳ thi đánh giá tư duy được thiết kế hoàn toàn dựa trên nội lực, đội ngũ chuyên gia của Trường ĐHBK Hà Nội. Như vậy, tùy theo nội dung học của học sinh THPT, đặc biệt theo chương trình đổi mới giáo dục mà trường sẽ ra những đề thi phù hợp với các em, trên nguyên tắc “học gì thi đó”. Nội dung chương trình và các khối kiến thức bên trong đề thi có thể điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới nhưng kết cấu đề thi vẫn giữ nguyên, gồm toán, đọc hiểu và nhóm khoa học tự nhiên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Tags: qdnd