Nét văn hóa dân tộc trong giáo dục địa phương
Tại nhiều địa phương, các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực kết hợp những hoạt động, trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục, nhằm truyền đạt truyền thống và nét đẹp văn hóa của các dân tộc vào cuộc sống hằng ngày trong trường học.
Phần lớn học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS và THPT Đắk Glong (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là người dân tộc Mạ, Mnông, Mông, Tày, Nùng, Thái... Ở đây, các hoạt động văn nghệ không chỉ là một ngày hội văn hóa thu nhỏ của các dân tộc mà còn là cơ hội để học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và tham gia vào các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đi cà kheo, ném còn, bịt mắt bắt dê... Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Lê Thị Anh chia sẻ: “Hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian luôn thu hút sự tham gia nhiệt tình từ học sinh và giáo viên. Lễ hội mang lại không khí phấn khởi, giúp học sinh và giáo viên có tinh thần học tập và làm việc tích cực hơn”.
Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông ở Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn (Nghệ An). |
Không khí vui tươi, mang đậm nét văn hóa truyền thống ấy cũng được thể hiện sinh động tại Trường PTDTNT THPT Miền Tây (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) từ mấy năm nay. Là nơi có 419 học sinh theo học, thuộc 7 dân tộc anh em nên khai giảng năm học 2023-2024, nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, ném pao, kéo co, đẩy gậy... để tăng sự gắn kết giữa học sinh toàn trường, tạo sự hòa đồng cho học sinh đầu cấp. Cô Hiệu trưởng Hà Bích Ngọc cho hay: “Các hoạt động không chỉ để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để học sinh cảm nhận sự gần gũi giữa các thành viên trong trường”.
Tại Trường THPT DTNT Nghệ An ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với 700 học sinh từ 10 dân tộc thiểu số khác nhau, việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong tuần cận kề Tết nhằm khơi gợi ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Tiết mục văn nghệ của học sinh thể hiện rõ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy... đã thu hút học sinh tham gia nhiệt tình qua nhiều năm”.
Có thể thấy, việc kết hợp các hoạt động, trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục tại các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một cách hiệu quả để giáo dục truyền thống và nét đẹp văn hóa, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN