Nâng cao thể trạng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Việc bảo đảm dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả các cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2000, 2010 và 2020 cho thấy tình hình dinh dưỡng của trẻ em và bà mẹ nhìn chung đã được cải thiện, tuy nhiên có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các vùng, miền: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn rất cao ở những tỉnh miền núi nghèo, khó khăn; tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tuổi học đường tăng nhanh ở các thành phố lớn; tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em và bà mẹ còn cao, đặc biệt là DTTS ở vùng núi và Tây Nguyên. Do vậy, cần có các giải pháp phù hợp và đặc thù để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, nâng cao thể trạng nhân dân ở những vùng Trung du miền núi và các dân tộc ít người.
Cán bộ Trạm Y tế xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) tư vấn cho bà mẹ mang thai theo dõi thai kỳ bảo đảm dinh dưỡng, an toàn |
Theo GS, TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), một trong những quan tâm hàng đầu trong Chiến lược giai đoạn mới (2021-2030) là sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng với miền núi và vùng đồng bào DTTS. Theo các số liệu từ hệ thống giám sát dinh dưỡng năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, vùng DTTS và miền núi vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất so với trung bình cả nước. Kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% (vẫn còn ở mức rất cao). Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, các DTTS ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là người DTTS vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15,0%), đồng thời tỷ lệ trẻ em là người DTTS suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Hơn nữa có tới 60% số trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất cả nước là người DTTS.
GS, TS Lê Thị Hợp phân tích, về nguyên nhân trực tiếp của suy dinh dưỡng là do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ (năng lượng và các chất dinh dưỡng của khẩu phần không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể) và bệnh tật (đối với trẻ em thì tiêu chảy và viêm đường hô hấp...) là những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ 6-23 tháng tuổi là người DTTS có chế độ ăn đúng, đủ rất thấp (39%) so với 69% trẻ em là người Kinh; trẻ em DTTS bị tiêu chảy cao hơn gấp 3 lần so với các nhóm khác. Nguyên nhân gián tiếp là do thiếu kiến thức và thực hành dinh dưỡng không hợp lý cũng ảnh hưởng đến nuôi dưỡng trẻ. Bên cạnh đó là những hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế (chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng). Việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng các DTTS hiện vẫn còn chậm. Tình trạng tảo hôn sớm và kết hôn cận huyết thống ở các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên cũng vẫn cao gấp đôi so với tỷ lệ chung của quốc gia (tỷ lệ tảo hôn ở 2 khu vực này là 21,1% và 18,1%). Ngoài ra, vẫn phải nhắc đến nguyên nhân cơ bản và quan trọng là nghèo đói dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở nhóm dân cư này. Mặc dù chỉ chiếm 14% tổng dân số Việt Nam nhưng cộng đồng DTTS lại chiếm đến 73% số hộ nghèo tính đến năm 2016. Bên cạnh đó, do đặc điểm địa lý, cộng đồng này còn chịu tác động nhiều hơn của biến đổi khí hậu, càng làm gia tăng gánh nặng của suy dinh dưỡng.
Do đó, theo GS, TS Lê Thị Hợp, cần xây dựng và triển khai một số chương trình/dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em và người dân vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Chương trình/dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo, bảo đảm thực phẩm hộ gia đình, nhất là những phụ nữ tuổi sinh đẻ ở vùng nghèo, có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ cao. Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai ở các tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Cần có giải pháp tuyên truyền cho người dân tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...; phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu kẽm...) đặc hiệu cho trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ, nhất là DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ... Đồng thời, xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
Bài và ảnh: DIỆP CHÂU