Lối sống thiếu khoa học khiến đột quỵ não gia tăng ở người trẻ
Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới, tỷ lệ mắc đột quỵ não chiếm đa số là người già trên 60 tuổi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi có xu hướng ngày càng tăng. Ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ những bệnh lý về dị dạng mạch máu não còn có nguyên nhân do thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt dẫn đến tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Liên tục la hét, chửi, không hợp tác với bác sĩ, cởi ném quần áo của bệnh viện là những biểu hiện của anh Đ.V.T, sinh năm 2001, ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội trong quá trình nằm điều trị tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Minh Đức, Khoa Đột quỵ cho biết: “Bệnh nhân T đang có dấu hiệu loạn thần sau điều trị, bệnh nhân chưa chấp nhận sự thật, bản thân mới ngoài 20 tuổi đã bị đột quỵ não. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người.
Kết quả phim chụp, T bị tắc một nhánh động mạch lớn của não. Phải điều trị đặc hiệu bằng biện pháp can thiệp nội mạch (luồn dụng cụ vào trong mạch máu não, tiếp cận vị trí tắc mạch để làm tái thông), trả lại dòng chảy bình thường cho não. Sau khi mổ, T đã có thể nói và cử động tay chân nhưng vẫn còn dấu hiệu loạn thần”. Bà N.T.L, mẹ của Đ.V.T vừa khóc vừa kể: “Bản thân T là người có sức khỏe tốt, làm công việc xây dựng. Tuy nhiên, T rất mê chơi game online, cứ có thời gian rảnh là lại chơi game online. Trước khi bị đột quỵ, T đã có 3 ngày chơi game online thông đêm không ngủ, nghỉ. Có lẽ thói quen xấu này khiến T bị đột quỵ khi còn rất trẻ”.
Bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103. |
Theo bác sĩ Đặng Minh Đức, trước đây, đột quỵ là bệnh lý thường xảy ra với người già. Tuy nhiên, quan niệm đó không còn chính xác vì số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ ngày càng gia tăng. Số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tới cấp cứu tại Khoa dưới 50 tuổi chiếm khoảng 20-25%, dưới 30 tuổi chiếm 3-4% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện. Tuy còn trẻ nhưng các bệnh nhân trẻ tuổi đã phải chịu những hệ quả nặng nề của căn bệnh, thậm chí có trường hợp đã tử vong.
Vì sao đột quỵ ở người trẻ ngày càng nhiều? Các bác sĩ cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân thuộc về bệnh lý, đơn cử như người bị dị dạng mạch máu não có nguy cơ đột quỵ cao khi còn trẻ tuổi. Những người này không có triệu chứng nên không biết để kiểm soát nguy cơ. Bệnh nhân bị đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết. Ngoài ra, một số người bị mắc bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ cơn, bệnh lý van tim... sẽ tạo ra những huyết khối trong tim, theo máu đưa tới não và xuất huyết não. Ngoài nguyên nhân bệnh lý, một nguyên nhân quan trọng thuộc về lối sống của người trẻ cũng rất cần lưu ý.
Theo Đại tá, PGS, TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103: “Nhóm nguyên nhân đột quỵ do thói quen không lành mạnh đang gia tăng ở người trẻ và cần đặc biệt phải báo động. Một số thói quen xấu như: Hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thức đêm, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu, bia... Những thói quen xấu này khiến người trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: Tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì... đến gần hơn với đột quỵ.
PGS, TS Phạm Đình Đài khuyến cáo: “Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì đều có thể cải thiện được nếu được điều trị. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”. “Khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.
Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó, khả năng vận động có thể sớm trở lại. Chính vì vậy, mọi người thường chủ quan, tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não. Nếu xảy ra tình trạng này, mọi người cần đến các cơ sở y tế để thăm khám cụ thể”, PGS, TS Phạm Đình Đài chia sẻ thêm.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG