• :
  • :

Kiểm soát an toàn thực phẩm học đường ở Hà Nội

Từ tháng 8-2024, TP Hà Nội bắt đầu triển khai kiểm tra, rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học và xung quanh khu vực trường học.

Chất lượng bữa ăn học đường trở thành mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thói quen ăn uống, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh. Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT, phê duyệt hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh từ mầm non đến THCS. Theo đó, thực đơn phải đa dạng, gồm ít nhất 10 loại thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng và an toàn. Các trường có thể tự tổ chức bếp ăn hoặc thuê dịch vụ, với quy trình chế biến theo nguyên tắc một chiều và bảo đảm vệ sinh.

Phân tích tiêu chuẩn của bữa ăn học đường, TS, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký-Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày, bữa ăn còn giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hằng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bữa ăn học đường tại Trường Mầm non Bình Minh (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)

Thực tế, nhiều trường học hiện không coi việc nuôi trẻ là quan trọng, mà chỉ tập trung vào việc dạy. Điều này dẫn đến thực đơn đơn điệu, thường chỉ có thịt lợn và một vài loại rau, không bảo đảm đủ dinh dưỡng và không giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Trẻ em cần thực đơn đa dạng để tránh nguy cơ thừa cân, béo phì và tạo thói quen ăn uống tốt trong tương lai. Thực đơn không nên lặp lại món ăn chính trong vòng 4 tuần. Ví dụ, thịt lợn chỉ nên xuất hiện tối đa 3 lần/tuần và được chế biến khác nhau. Tuy nhiên, rất ít trường học hiện nay áp dụng các thực đơn này, mà chủ yếu tự đưa ra các thực đơn đơn giản.

Mặc dù nhà trường thường là đơn vị trung gian, đứng ra thu tiền từ phụ huynh và trả cho công ty cung cấp suất ăn, nhưng vai trò giám sát và bảo đảm chất lượng bữa ăn vẫn chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Bởi vậy, phụ huynh cần có quyền được biết và tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn cho con mình. Lo ngại về bữa ăn học đường, chị Hoàng Xuân ở quận Cầu Giấy có con năm nay vào lớp 3, cho biết: “Mỗi năm, nhà trường đều phát phiếu cho phụ huynh tự nguyện đăng ký ăn bán trú cho con em mình. Trong các cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo số tiền phải đóng và tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, thông tin về đơn vị cung cấp bữa ăn chỉ được thông báo lấy lệ. Chúng tôi không hề biết đơn vị đó là ai hay năng lực của họ ra sao".

Chất lượng bữa ăn học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm chung của cả phụ huynh và các cơ quan chức năng. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm và áp dụng những biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm để bảo đảm một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh.

Bài và ảnh: HOÀNG TÙNG