• :
  • :

Không cực đoan với Covid-19!

Bộ Y tế vừa đề xuất, xin ý kiến Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc cho phép F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly y tế, nếu tự nguyện thì có thể làm việc trực tuyến hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2.

Với F1, thay vì cách ly 5 ngày (với người đã tiêm đủ liều vaccine) hoặc 7 ngày (với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine) thì chỉ phải theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm và được phép tham gia các công việc bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến...

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế 

Thời gian qua, nhất là sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày, cả nước ghi nhận hàng chục, hàng trăm nghìn trường hợp F0, kéo theo đó là số F1 gấp vài lần, khiến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu người làm việc trầm trọng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả công việc sản xuất, kinh doanh. Trước áp lực công việc, nhu cầu lao động để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đơn hàng, mặc dù chưa được phép nhưng trên thực tế đã có không ít cơ quan, doanh nghiệp vẫn để F1 đi làm trực tiếp. Đối với những đơn vị này, tuy biết làm như vậy là vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không còn lựa chọn nào khác, vì hầu hết cán bộ, nhân viên, người lao động đều đã là F0 hoặc F1, nếu không để F1 đi làm thì chỉ còn cách... đóng cửa! Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở mức cao, nước ta đã chủ động được thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir kháng virus SARS-CoV-2, năng lực điều trị được củng cố, tăng cường, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát thì đề xuất nói trên, đặc biệt là đề xuất cho F1 làm việc trực tiếp nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Việc này thể hiện sự linh hoạt, thích ứng an toàn, phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động hiện nay, vì vậy cần sớm được thực hiện.

Tất nhiên, cho phép F1 làm việc trực tiếp không có nghĩa là “thả” để F1 hoạt động tự do mà phải tuân thủ những quy tắc, điều kiện nhất định nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng dịch. Cùng với đề xuất cho phép F1 được làm việc trực tiếp, Bộ Y tế cũng nêu những điều kiện đi kèm, đó là các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho F1 bảo đảm khoảng cách, môi trường thông thoáng; F1 phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định...

Cho phép F1 làm việc trực tiếp là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Khi đề xuất này được chấp thuận, có sự hướng dẫn, quản lý của ngành y tế cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ tránh được tình trạng F1 làm “chui”, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Từ đề xuất này cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nghiên cứu có biện pháp phù hợp để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thể chấp nhận những biện pháp quản lý cứng nhắc, máy móc, những hành vi “ngăn sông cấm chợ”, những đồn thổi vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết về dịch bệnh vẫn đang diễn ra ở một số địa phương. Đến thời điểm này, những biện pháp khoanh vùng, tâm lý lo sợ đến mức kỳ thị người mắc Covid-19 vẫn đang diễn ra vô cùng hà khắc ở một số địa phương. Quan điểm của Chính phủ là ứng xử linh hoạt, an toàn với Covid-19 để tiến tới xem xét coi đây là bệnh đặc hữu, xóa bỏ mọi ngăn cách, kỳ thị; điều này hoàn toàn khác với nhận thức "linh hoạt là địa phương muốn ngăn cấm, truy xét như thế nào là quyền địa phương". Mong rằng các cơ quan chức năng của Chính phủ cần kiểm tra, chấn chỉnh một số biểu hiện ứng xử với bệnh nhân Covid-19 quá hà khắc, không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đang diễn ra muôn hình muôn vẻ ở các địa phương!

PHƯƠNG HIỀN

Tags: qdnd
Lượt xem: 272
Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết