• :
  • :

Khép lại an toàn chặng đường cũ chương trình giáo dục 2006

Hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024. Đây là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, khép lại một giai đoạn quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Lứa học sinh đặc biệt

Cách đây 3 năm, lứa học sinh sinh năm 2006 bước vào lớp 10 giữa đại dịch Covid-19. Các em ngay lập tức phải thích ứng linh hoạt với những cuộc chuyển trạng thái hoạt động trong các nhà trường. Hơn lúc nào hết, tinh thần sáng tạo, chủ động, thích ứng nhanh luôn được đề cao trong các nhà trường với mỗi thầy, cô giáo và học sinh.

Đây cũng là giai đoạn quan trọng khi những cơ sở đào tạo đa dạng hóa phương thức xét tuyển đại học nhằm giảm đáng kể áp lực từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn các trường phổ thông thì căng mình chuyển dần từ Chương trình GDPT 2006 sang Chương trình GDPT 2018 với rất nhiều thay đổi về phương pháp, nội dung, hình thức dạy học và các hoạt động giáo dục. Bởi vậy, ở một góc độ nào đó, lứa học sinh sinh năm 2006 chịu nhiều thiệt thòi hơn những lứa học sinh trước và sau các em. Tuy vậy, các em có nhiều cơ hội chuyển mình để tiếp cận cái mới.

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: THÁI HƯNG

Các em cũng là lứa học sinh cuối cùng dự kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Trong xây dựng đề thi, Bộ GD&ĐT đã lưu ý đến việc phù hợp với những nội dung được tinh giản, phù hợp với quá trình dạy và học ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, đề thi có thể giúp học sinh phát huy tốt nhất năng lực, kỹ năng, kiến thức đã học và thể hiện tốt nhất trong bài thi của mình”.

Với những nỗ lực giảm áp lực thi cử của ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp với nhiều thí sinh năm nay nhẹ nhàng như thi học kỳ. Thí sinh Đặng Quốc Dũng, Trường THPT Chuyên - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Em đã trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm nên cảm thấy rất thoải mái với kỳ thi, chỉ cần tốt nghiệp là đủ điều kiện. Nắm mục tiêu trong tầm tay như vậy, nhiều thí sinh khác cũng thi tốt nghiệp THPT với tâm thế nhẹ nhàng. Tuy nhiên, với những thí sinh dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi thì có phần lo lắng, hồi hộp hơn.

Khép lại những cách học quen thuộc

Với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Tinh thần “4 đúng-3 không” tiếp tục được quán triệt trong kỳ thi năm nay. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường. Tuy nhiên, việc đề thi môn Ngữ văn được cho rằng trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi bắt đầu vẫn xảy ra. Đây là việc không mới.

Một trong những lý do “rò rỉ” thông tin vì quanh đi quẩn lại, đề thi chỉ ra trong số tác phẩm cố định trong sách giáo khoa. Mỗi tác phẩm có một số đoạn “đinh” có thể dùng làm câu hỏi thi. Để giúp học sinh có thể đạt điểm cao, nhiều thầy, cô giáo cũng buộc phải chọn cách luyện theo mẫu có sẵn dù đều biết đó là cách có thể triệt tiêu cảm xúc với môn Ngữ văn của học sinh.

Phân tích đề thi môn Ngữ văn năm nay, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng đề Ngữ văn quen thuộc, khép lại an toàn chặng đường cũ ra đời cách đây gần hai thập kỷ. Hai phần đọc hiểu và làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, từ năm 2025, khi giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.

Mặt bằng chung, đề thi tốt nghiệp THPT được nhìn nhận có độ phân hóa tốt, phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp THPT và bảo đảm độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong xét tuyển.

Từng bước chuyển trạng thái cho thí sinh năm sau

Trước thông tin nhiều thí sinh “trúng tủ” môn Ngữ văn, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, Trưởng ban đề thi khẳng định, theo báo cáo của Ban đề thi, không có việc lộ, lọt đề thi. Việc chấm thi môn Ngữ văn sẽ có tính linh hoạt và mở trong quá trình chấm. Bên cạnh những yêu cầu cơ bản và gợi ý trong hướng dẫn, luôn có phần mở để thí sinh thể hiện sự sáng tạo. Những bài trả lời theo hướng khác nhưng nếu thí sinh viết đúng và thuyết phục, có tính phát hiện sẽ được xem xét.

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: THANH TÙNG

Một trong những vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các kỳ thi là phòng, chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao. Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, trong 30 trường hợp vi phạm quy chế thi năm nay, chủ yếu là mang điện thoại vào phòng thi, chưa phát hiện trường hợp sử dụng công nghệ cao để gian lận. Trước kỳ thi, Bộ Công an đã rà soát việc mua bán thiết bị công nghệ cao để ngăn ngừa từ xa.

Chia sẻ về đề thi có tính mở tại cuộc họp báo ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Đề thi mở hơn và có yếu tố phân hóa, giúp thí sinh dần làm quen và không bị bất ngờ. Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp hiện nay là giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy cho phương thức tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Hiện có 65% trường đại học vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh, giảm tốn kém cho học sinh, đặc biệt là những em ở vùng khó khăn không có điều kiện tham gia nhiều kỳ thi. Đề thi các năm tiếp theo sẽ tiếp tục có sự phân hóa và độ tin cậy để các trường có thể sử dụng”.

Dự kiến 8 giờ ngày 17-7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả điểm thi của thí sinh cả nước. Các sở GD&ĐT chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh. 

THU HÀ