• :
  • :

Khẩn trương ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Những ngày qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến phức tạp. Khí hậu bất lợi, mưa nhiều là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng.

Dù số lượng bệnh nhân tăng cao so với cùng kỳ nhưng do có sự chủ động ngay từ sớm nên tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Bệnh viện quá tải

Dù mới tháng 6 nhưng Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã trở nên quá tải, bệnh viện phải kê thêm giường tại hành lang để bệnh nhân và người nhà nằm tạm. Trò chuyện với chúng tôi khi đang loay hoay chăm sóc hai đứa con sinh đôi bị SXH, chị Vũ Lệ Huyền, ngụ tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Bé đi học về thì kêu nóng, đau đầu. Ban đầu, người nhà cứ tưởng bé đi học giữa trưa nắng nên thân nhiệt tăng cao, nhưng đến chiều, bé lại có biểu hiện mệt mỏi và sốt cao, dù đã được uống thuốc nhưng vẫn không cắt được cơn sốt. Khi đưa bé đến bệnh viện, bác sĩ cho biết bé bị SXH. Bệnh nhân đông quá nên 3 ngày nay, mấy người chúng tôi phải chen chúc nhau trên chiếc chiếu được lót dọc hành lang của khoa ngủ tạm chứ vào trong phòng đông quá cũng không thể chịu được”.

 Lượng bệnh đông, Bệnh viện phải kê thêm giường tại hành lang khoa SXH.

Theo bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ: “Dịch SXH năm nay tăng cao hơn mọi năm. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 ca SXH. Riêng từ ngày 1 đến 13-6, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú 263 trường hợp, trong khi thời điểm tháng 6-2021 chỉ có 31 trường hợp. Số bệnh nhân tăng cao, bệnh viện đã tăng thêm 20 giường so với kế hoạch, nâng tổng số giường lên 100 nhưng số lượng bệnh nhân điều trị nội trú hiện là 119 ca nên vẫn không thể đáp ứng đủ".

Không riêng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ mà số lượng bệnh nhân SXH tại các tỉnh, thành phố khác trong vùng ĐBSCL cũng liên tục tăng cao từ 200 đến 400% so với cùng kỳ. Cụ thể, tại Đồng Tháp, đến nay, tỉnh ghi nhận 1.700 ca SXH, tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, một trường hợp tử vong. Tất cả 12 địa phương của tỉnh đều ghi nhận ca bệnh, trong đó huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh có số ca nhiều nhất và chiếm gần 50% số ca SXH toàn tỉnh.

Còn tại An Giang, địa phương được đánh giá có số ca bệnh SXH nhiều nhất vùng ĐBSCL, số bệnh nhân hiện tại lên đến gần 5.000 ca, tăng 400% so với cùng kỳ, trong đó có 6/11 huyện tăng hơn 500% so với cùng kỳ. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, dù không có trường hợp tử vong nhưng hiện số bệnh nhân SXH trong tỉnh liên tục tăng cao, đặc biệt chỉ trong vòng 1 tuần, số bệnh nhân tăng từ 426 lên 550 ca. “Trước sự gia tăng về số lượng bệnh nhân, để giảm tải, các bác sĩ tăng cường lọc bệnh. Theo đó, đối với ca bệnh nhẹ, xét nghiệm test NS1 âm tính hoặc test NS1 dương tính nhưng bệnh nhân khỏe, tỉnh táo, ăn uống được thì tư vấn kỹ với gia đình rồi cho điều trị ngoại trú, tái khám hằng ngày. Các toa thuốc ngoại trú cũng có ghi đầy đủ, rõ ràng các dấu hiệu, khi cần cho nhập viện ngay. Tuy vậy, số lượng giường vẫn không đủ đáp ứng cho bệnh nhân”, bác sĩ Trần Quang Hiền chia sẻ.

Khoa SXH tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang quá tải vì lượng bệnh tăng cao. 

Tăng cường biện pháp ứng phó

Theo dự báo của ngành y tế các địa phương trong vùng ĐBSCL, năm nay dù mới bắt đầu mùa mưa nhưng lượng bệnh nhân SXH đã tăng cao và dự báo số ca mắc mới còn tăng trong thời gian tới. Ngành y tế dự báo trong tháng 6, đỉnh điểm dịch có khả năng lên 1.000 ca mỗi tuần. Số bệnh nhân năm nay tăng cao cũng không nằm ngoài dự đoán bởi theo chu kỳ dịch 3-4 năm sẽ bùng phát mạnh trở lại. Để tăng cường các biện pháp ứng phó, bác sĩ CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết: “Trung tâm đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền về dịch SXH và cách phòng tránh tới người dân. Ngoài ra, trung tâm sẽ phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để tập huấn cách xử lý và điều trị SXH đối với các trạm y tế trên địa bàn thành phố”.

Trước đó, ngày 29-4, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Công văn số 580 về việc tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất tại 100% hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch và bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Bên cạnh đó, xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, chủ động phòng, chống SXH và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch trong mọi tình huống.

Cùng với sự chủ động của ngành chức năng, tìm hiểu thực tế tại các bệnh viện cho thấy ý thức và cách nhận biết bệnh cũng như sự chủ động của các bậc phụ huynh về bệnh SXH tăng lên đáng kể. Theo bác sĩ CKI Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ: “Từ đầu tháng 5 đến nay, dù số lượng bệnh nhân tăng cao nhưng diễn biến bệnh nặng không cao so với mọi năm. Phần lớn trẻ em đến bệnh viện đều mới dừng lại ở các biểu hiện sốt, đau đầu chứ không sốc hoặc có dấu hiệu rối loạn đông máu, nôn ra máu, chảy máu cam như các năm trước”.

Có con đang điều trị tại Khoa SXH, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, chị Trần Thanh Thắm ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Nhà có trẻ con nên tôi cũng chủ động cập nhật thông tin về các bệnh như tay chân miệng, SXH... Nay khi bé có biểu hiện sốt cao liên tục và kêu đau bụng, biết đang mùa dịch SXH nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện xét nghiệm máu để nhận biết bệnh. Nhờ vậy mà bé được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Nhập viện được 4 ngày, hiện bé đã hồi phục sức khỏe”.

Box: Để phòng, tránh bệnh SXH hiệu quả, biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh. Người dân cần dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai, lọ. Tránh muỗi đốt, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ trong màn (kể cả ban ngày); mặc quần áo dài tay; không cho trẻ em chơi chỗ tối; dọn dẹp những nơi muỗi thích đậu như dây phơi, quần áo, chỗ tối; đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi... Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Hiện chưa có vaccine hay thuốc đặc trị bệnh SXH, bị sốt và có các biểu hiện của SXH như sốt cao (trên 38 độ C) và kèm theo một trong các triệu chứng như đau đầu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, buồn nôn, sưng, đau mỏi cơ hay xương, khớp, phát ban thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra...  

Bài và ảnh: THÚY AN

Tags: qdnd
Lượt xem: 55
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết