Hỗ trợ nhà văn sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số
Nền văn học Việt Nam được xây đắp bởi sự phong phú và độc đáo của văn học cộng đồng các dân tộc cư trú trên lãnh thổ nước ta. Để phát triển văn học các dân tộc, đặc biệt là các tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), cần có sự đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng cho các nhà văn.
Nền văn học Việt Nam được xây đắp bởi sự phong phú và độc đáo của văn học cộng đồng các dân tộc cư trú trên lãnh thổ nước ta. Để phát triển văn học các dân tộc, đặc biệt là các tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), cần có sự đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng cho các nhà văn.
Trong kho tàng văn học dân gian có nhiều tác phẩm thơ, trường ca, truyện thần thoại, cổ tích, ca dao, dân ca là tư liệu quý còn lưu lại và phổ biến thông qua ngôn ngữ DTTS như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Chăm, Khmer... Những sản phẩm sáng tạo đó cũng là chất liệu quý cho những tác phẩm nghệ thuật đương đại thuộc các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, biểu diễn...
Trại sáng tác văn học trẻ của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2024 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. |
Hiện nay, đội ngũ nhà văn, nhà thơ kế cận là người DTTS đang nỗ lực sáng tạo bằng tiếng mẹ đẻ giữ vai trò làm cầu nối quan trọng để những sáng tác đến với đồng bào, bồi dưỡng lòng yêu văn hóa quê hương, ý thức lưu giữ giá trị truyền thống, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu như: Triệu Lam Châu, Triệu Kim Văn, Dương Thuấn, Dương Khâu Luông, Hữu Tiến, Đoàn Lư, Đoàn Ngọc Minh, Ma Phương Tân, Nông Thị Tô Hường, Đinh Hữu Hoan, Nông Ngọc Mạnh, Hoàng Kim Dung... Theo ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các DTTS Việt Nam, những tác phẩm văn học viết bằng tiếng DTTS đã góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, giúp các dân tộc hiểu biết, thêm gần gũi và ngày càng đoàn kết gắn bó, đồng thời góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào trên mọi vùng đất nước.
Tuy nhiên, tác giả viết bằng tiếng DTTS ngày càng ít, tác phẩm đạt chất lượng cũng không có nhiều. Theo thống kê của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, hiện nay, số hội viên sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc có khoảng 40 người, nhưng tác giả viết đều tay chưa đến 20 người, một con số ít ỏi so với hơn 1.000 hội viên của Hội. Mỗi năm, Hội VHNT các DTTS Việt Nam trung bình chỉ có khoảng 4-5 công trình tác phẩm sáng tác bằng tiếng DTTS nộp xin từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác.
Một số tập thơ song ngữ Tày - Việt. |
Lý giải về điều này, nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn, tác giả của 4 tập thơ song ngữ Tày-Việt cho biết: Bên cạnh những khó khăn từ việc tiếng mẹ đẻ dần bị mai một trong cộng đồng DTTS, cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ việc sáng tác bằng tiếng DTTS chưa có nhiều. Trong các chương trình, dự án về văn học, mới chỉ là in và xuất bản phần tác phẩm đã dịch sang tiếng Việt, thường khó hay so với bản gốc. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có sự quan tâm giới thiệu các tác giả sáng tác bằng tiếng DTTS.
Nhà thơ Nông Thị Tô Hường (tỉnh Bắc Kạn) trăn trở: “Việc sáng tác văn học bằng tiếng DTTS rất khó bởi người viết phải có vốn từ vựng phong phú, kiến thức và am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ dân tộc mình. Bên cạnh đó, chi phí để in sách song ngữ thường cao gấp đôi nhưng cũng chỉ được hỗ trợ chi trả bằng với tác phẩm chỉ viết bằng tiếng Việt. Điều này phần nào khiến ngày càng ít tác phẩm song ngữ”.
Xác định được vai trò của mình, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã và đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, chương trình như thẩm định và xét tặng thưởng tác phẩm hằng năm, công trình VHNT xuất sắc của Hội VHNT các DTTS Việt Nam dành cho các văn nghệ sĩ, tổ chức các trại sáng tác... thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tạo. Đặc biệt, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã tập hợp, tuyển chọn được nhiều tác phẩm của các tác giả về đề tài miền núi, DTTS để in trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm VHNT các DTTS Việt Nam” giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục kiến nghị việc triển khai truyền dạy, phổ biến tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc; động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm VHNT bằng ngôn ngữ, hình tượng, bản sắc, cảm xúc của dân tộc mình.
Cùng với đó, một số tạp chí chuyên ngành văn học ở các địa phương cũng dành trang đăng tải các bài thơ, truyện thơ, trường ca bằng tiếng DTTS như: Văn nghệ Ba Bể, Non nước Cao Bằng, Văn nghệ Xứ Lạng... Nhuận bút chi trả cho những tác phẩm này tăng thêm 10-20% so với các tác phẩm thông thường, áp dụng theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14-3-2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Để việc sáng tác bằng tiếng DTTS có thể phát triển cần nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết phải từ những việc làm thiết thực. Theo nhà thơ Dương Khâu Luông, đó là: Chú ý bồi dưỡng các tác giả trẻ sáng tác bằng tiếng DTTS và có những cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ; các tạp chí văn nghệ của các hội VHNT địa phương cần mở chuyên trang giới thiệu sáng tác văn học bằng tiếng DTTS để tạo cầu nối cho tác phẩm đến với bạn đọc...
Bài và ảnh: HƯƠNG LY