• :
  • :

Hiểm họa nhiễm độc chì

Một nghiên cứu do Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington (Mỹ) công bố gần đây cho thấy, nhiễm độc chì đã tạo thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Theo The Guardian, nghiên cứu ước tính có khoảng 815 triệu trẻ em, chiếm 1/3 trẻ em trên toàn thế giới, bị nhiễm độc chì. Tình trạng này liên quan đến rối loạn tim mạch và chức năng thận, suy giảm trí thông minh, dẫn đến hành vi bạo lực và tử vong sớm. Tháng 9 vừa qua, một bài báo trên Tạp chí The Lancet Planetary Health ước tính rằng, vào năm 2019, trên thế giới có 5,5 triệu người chết vì bệnh tim mạch do nhiễm độc chì, cao gấp khoảng 3 lần số người chết vì ung thư phổi.

Tác động của nhiễm độc chì là rào cản đáng kể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán chi phí cho những trường hợp tử vong sớm khoảng 4,6 nghìn tỷ USD, tương đương 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Bà mẹ ngồi bên em bé bị nhiễm độc chì tại phòng khám ở huyện Anka, Nigeria. Ảnh: AFP 

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì nhất vì các em hay cho các vật có chì như đồ chơi phủ sơn chì vào miệng. Chì có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm thần ở trẻ. Vào tháng 7, một bài báo do CGD công bố đã tổng hợp 47 nghiên cứu cho thấy trẻ em càng tiếp xúc với nhiều chất chì thì điểm kiểm tra các môn toán, đọc và IQ càng thấp. CGD cũng phát hiện ra khoảng 1/5 tổng chênh lệch về điểm kiểm tra giữa trẻ em ở các nước giàu và nước nghèo là do sự khác biệt về mức độ phơi nhiễm chì.

Tại các nước giàu, những luật lệ nghiêm ngặt và chi hàng tỷ USD để giải quyết các nguyên nhân gây ngộ độc đã ngăn cản hầu hết trẻ em có tiếp xúc với lượng chì đáng kể. Trong khi đó, ở các quốc gia nghèo, nơi kim loại tiếp tục được sử dụng trong các sản phẩm thương mại như sơn, các loại thuốc và gia vị truyền thống cũng như đồ nấu nướng tráng men bằng chì, có thể thấm vào thức ăn. Ngoài ra, việc không tạo được vùng đệm giữa các cơ sở xử lý chất thải khai thác mỏ và khu dân cư cũng góp phần gây ô nhiễm đất và không khí ở các nước nghèo. Bên cạnh đó, việc thiếu những tiêu chuẩn an toàn và môi trường đối với các nhà tái chế pin axit chì cũng khiến số lượng người nhiễm độc chì gia tăng. Kết quả là hơn một nửa số trẻ em ở các nước thu nhập thấp bị nhiễm độc chì. Con số này chỉ là 3% ở các nước giàu.

Hai cô gái tái chế pin đã qua sử dụng tại một xưởng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh: UNICEF 

Một nghiên cứu năm 2019 ở Bangladesh phát hiện ra rằng, bột nghệ ở nước thường bị pha chì để làm cho nó có màu tươi sáng hơn. Đây là nguồn phơi nhiễm chì chính ở các khu vực được kiểm tra. Để giải quyết vấn đề này, Cơ quan An toàn thực phẩm Bangladesh và các chuyên gia y tế đã triển khai chương trình giáo dục người dân về sự nguy hiểm của chì. Họ cũng cảnh báo người tiêu dùng tránh mua nghệ vàng tươi và thông báo cho các nhà cung cấp về những hình phạt đối với hành vi pha trộn chì. Các thanh tra y tế Bangladesh cũng được đào tạo để kiểm tra những mẫu bột nghệ từ một chợ bán buôn lớn ở thủ đô Dhaka. Ngay trước chiến dịch, gần một nửa số nghệ được lấy mẫu từ khu chợ này có chứa lượng chì có thể phát hiện được. Đến năm 2021, tình trạng này đã được xử lý triệt để.

CGD hối thúc chính phủ các nước, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp, cần có hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng nhiễm độc chì, đồng thời kêu gọi các cơ quan phát triển hỗ trợ chính phủ các nước đưa ra chiến lược quốc gia bao gồm quy định và nâng cao nhận thức về nhiễm độc chì. Theo ước tính của CGD, khoảng 350 triệu USD tiền viện trợ có mục tiêu từ năm 2024 đến 2030 sẽ đủ để giảm đáng kể mức độ phơi nhiễm chì ở các nước có thu nhập thấp. Số tiền này sẽ được dùng cho việc mua sắm thiết bị kiểm tra chì, hỗ trợ các chiến dịch vận động và nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong việc soạn thảo và thực thi các quy định.

LÂM ANH

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết