Hàn Quốc tăng giờ giáo dục thể chất trong các trường công lập
Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây công bố sẽ tăng giờ học môn giáo dục thể chất ở các trường công lập do lo ngại về việc học sinh nước này ngày càng ít vận động.
Nguyên nhân được cho là do tác động của lối sống công nghiệp khiến thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử thông minh thay vì vận động thể chất. Các biện pháp hạn chế lây lan trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực tới hoạt động thể chất và tâm lý học sinh, khi mọi người buộc phải ở trong nhà nhiều hơn.
Korea JoongAng Daily cho biết, kế hoạch tăng cường giáo dục thể chất trung và dài hạn sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2028. Khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, năm 2022, có tới 16,6% học sinh tham gia bài kiểm tra thể chất rơi vào hai cấp độ thấp nhất của Hệ thống khuyến khích hoạt động thể chất (PAPS), tăng so với con số 12,2% của năm 2019. PAPS là hệ thống kiểm tra thể chất gồm 5 cấp độ, được thực hiện đối với học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 nhằm đánh giá các khía cạnh như độ dẻo dai, sức khỏe tim mạch và tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Đây là căn cứ để các trường học xếp loại sức khỏe học sinh hằng năm.
Giờ thể dục ở một trường tiểu học tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Trước tình trạng đáng báo động, Chính phủ Hàn Quốc dự định tăng thời lượng môn giáo dục thể chất cho lớp 1 và lớp 2 từ 80 giờ hiện tại lên 144 giờ vào năm 2025. Trong 40 năm qua, các trường tiểu học xứ kim chi đã đưa giáo dục thể chất cùng âm nhạc và nghệ thuật vào nhóm môn học có tên “cuộc sống vui vẻ”. Nay họ phải tính đến phương án tách các môn học để bảo đảm tăng cường giờ giáo dục thể chất cho học sinh. Đối với cấp trung học cơ sở, giờ giáo dục thể chất sẽ tăng thêm 30%. Học sinh trung học buộc phải đạt đủ 10 tín chỉ môn Thể dục kể từ năm 2025.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn về tâm lý, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách cho các chương trình trị liệu tâm lý trong trường học. Theo Bộ Giáo dục, qua kiểm tra đánh giá sức khỏe tâm thần, có tới 4,8% trong số 1,73 triệu học sinh Hàn Quốc cần được trị liệu tâm lý, trong khi 1,3% số học sinh có nguy cơ tự tử.
MAI VŨ