• :
  • :

Hà Nội có đặc trưng riêng không thể trộn lẫn

Tôi là một người con thuộc đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Đông Tác, một dòng họ khoa bảng đã định cư liên tục trên mảnh đất kinh kỳ này hơn 600 năm nay. Đối với tôi, Thăng Long-Hà Nội là quê cha đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn.

Hồi nhỏ, tôi đã được xem nhiều lần và ghi nhớ mãi hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong ngày 10-10-1954 qua những thước phim tài liệu màu quý giá của đạo diễn Liên Xô Roman Karmen. Trên nền bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, người dân Hà Nội tràn ra dọc hai bên phố Hàng Ngang-Hàng Đào, rạng rỡ vẫy cờ, tung hoa chào đón đoàn quân “trùng trùng quân đi như sóng” về tiếp quản Thủ đô. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ ôm cây đàn ghi-ta hát vang cùng người dân Thủ đô và hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng đứng trên chiếc xe Quân đội vẫy chào mọi người.

 Hoàng thành Thăng Long là nơi tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội. Ảnh: HOÀI NAM

Tuy 70 năm không phải là một khoảng thời gian quá dài so với lịch sử bao đời nay của mảnh đất Thăng Long-Hà Nội, nhưng đó thực sự là một dấu mốc rất quan trọng. Kể từ ngày này, Hà Nội bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của xây dựng và kiến thiết. Hà Nội, với vai trò là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, luôn là đầu tàu về kinh tế và văn hóa của cả nước, là một trong những địa danh được thế giới nhắc đến nhiều nhất khi nói về Việt Nam.

Tôi nhớ năm 2010, cũng vào ngày 10-10, một ngày rất đẹp, Thủ đô Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với nhiều hoạt động rất hấp dẫn và ý nghĩa. Như vậy, số 10 dường như là con số thật tròn trĩnh, viên mãn gắn liền với Thủ đô ta. 

Tôi đã đi đến nhiều nơi. Nhưng Hà Nội với tôi lúc nào cũng là tình yêu và nỗi nhớ. Dù phát triển rất nhanh nhưng Hà Nội vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống và các di sản thuộc nhiều giai đoạn khác nhau. Đó là những lớp trầm tích của cả nghìn năm lịch sử. Đâu đó trong nắng vàng mùa thu là những cổng làng cổ kính như cổng làng Mọc, làng Thụy Khuê, làng Trung Tự... và cả cửa Ô Quan Chưởng. Ở quê nội tôi-làng Đông Tác-Trung Tự và nhiều vùng khác, người dân vẫn duy trì đều đặn ngày hội làng. Trong khu phố cổ vẫn thấp thoáng những ngôi nhà rêu phong và miên man con phố buôn bán các mặt hàng đặc trưng như Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Dầu...

Khác với nhiều thành phố, Hà Nội là vùng đất đậm đặc các dấu tích lịch sử, như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, rồi cả những công trình nổi bật thời Pháp thuộc như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn...

Tôi rất yêu cây xanh và hồ nước ở Hà Nội. Khác với nhiều đô thị, Hà Nội được thiên nhiên ban tặng khá nhiều hồ nước tự nhiên, tạo nên những cảnh quan độc đáo. Với cây xanh, tôi nghĩ đó là một phần hồn cốt Hà Nội. Mỗi lần về với Thủ đô, tôi thong thả bát phố để ngắm hàng sấu xanh mượt trên phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, hàng cây xà cừ trăm tuổi trên phố Hoàng Diệu, hàng cây sao đen thẳng tắp ở phố Lò Đúc... Thật là một cảm giác thư thái, dễ chịu mà không phải ở đâu cũng có được.

Cũng không thể không nói đến người Hà Nội, đích thực là những người thanh lịch, thâm trầm, phong nhã và hào hoa, hiếm khi khoa trương mà đầy tinh tế. Họ vẫn còn hiện diện đâu đó trong xô bồ, hối hả của nhịp sống hiện đại nơi phố thị.

Mỗi lần có dịp quay về Hà Nội, tôi (TS Ngôn ngữ học người Australia gốc Việt, Giám đốc Viet Academy-Brisbane Australia) lại thấy choáng ngợp vì sự thay đổi chóng mặt theo hướng hiện đại của Thủ đô. Tôi nghĩ dù phát triển nhanh chóng nhưng Hà Nội vẫn có những đặc trưng riêng không thể trộn lẫn. Hà Nội vẫn là Thủ đô ngàn năm văn hiến, chứ không phải một đô thị nào khác.

Về sự phát triển của Hà Nội trong tương lai, tôi nghĩ việc đầu tiên là Hà Nội cần tập trung nguồn lực đầu tư vào công nghệ và hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề ùn tắc, ngập úng và cải thiện chất lượng không khí. Các giải pháp như xe buýt điện, hệ thống metro và quản lý đô thị thông minh sẽ giúp Hà Nội hiện đại hơn. Tôi rất chờ đợi sớm được thấy một hệ thống metro hoàn thiện, mang tính kết nối cao và thân thiện với môi trường. Việc thứ hai là bảo vệ và mở rộng các công viên, hồ nước, tăng không gian xanh. Một đô thị có nhiều không gian xanh là một đô thị phát triển bền vững và đáng sống. Tôi mong Hà Nội sẽ theo định hướng như vậy. Việc thứ ba là Hà Nội cần tiếp tục gìn giữ và bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc khu phố cổ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Lễ hội trong các làng ở nội và ngoại thành, các món đặc sản ẩm thực đất Hà thành, cùng các làng nghề truyền thống... Tôi nghĩ đó chính là bản sắc không thể trộn lẫn của Hà Nội. Việc thứ tư là về yếu tố con người. Tôi rất mong mỏi được thấy rõ khí chất của con người Thăng Long-Hà Nội trong thời đại số hóa: Vừa hào hoa, lịch thiệp mà cũng quyết đoán, sáng tạo và dấn thân bằng một tình yêu sâu sắc với mảnh đất linh thiêng này. 

NGUYỄN THẾ DƯƠNG

Tags: Hà Nội
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...