• :
  • :

Góp phần định hướng nghề nghiệp từ sớm

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chốt phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 với 4 môn thi đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh. Với phương án này, học sinh sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng bản thân.

Gọn nhẹ, giảm áp lực

Thông tin cụ thể về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho biết, nguyên tắc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Kỳ thi sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ.

Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Hình thức thi vẫn giữ ổn định như hiện nay, trong đó môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp được thực hiện kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Góp phần định hướng nghề nghiệp từ sớm
Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Với việc chỉ thi 4 môn, quy định mới của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo học sinh, giáo viên. Với phương án này, học sinh sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân.

Bày tỏ niềm vui khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã chính thức được “chốt”, Phạm Đức Hà (học sinh Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Sau nhiều ngày thấp thỏm, chờ mong kể từ khi Bộ GD&ĐT lấy ý kiến bàn phương án thi tốt nghiệp THPT, đến nay, chúng em đã thở phào nhẹ nhõm. Đây là phương án mà chúng em mong chờ nhất, vì số lượng môn thi ít nhất, trong đó chỉ có 2 môn thi bắt buộc, 2 môn thi còn lại được tự chọn trong số các môn học ở lớp 12. Chúng em cũng rất mừng vì phương án thi đã được công bố đúng kế hoạch, giúp học sinh có thời gian và yên tâm chuẩn bị tốt cho các môn mình dự định sẽ lựa chọn để đăng ký dự thi”.

Cùng tâm trạng, Phạm Vân Anh (học sinh Trường THPT Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Ngay từ những ngày đầu khi có thông tin Bộ GD&ĐT thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em đã ủng hộ phương án 2 + 2. Phương án này không chỉ giúp chúng em giảm áp lực thi cử mà quan trọng hơn, chúng em có thời gian cũng như điều kiện để lựa chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Xây dựng lộ trình học tập phù hợp

Bên cạnh sự phấn khởi khi phương án thi tốt nghiệp THPT mong muốn được phê duyệt, Phạm Đức Hà cho biết, em đã bắt đầu xây dựng lộ trình để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng vào năm tới. “Phương án này được phê duyệt đồng nghĩa với việc chúng em sẽ là khoá học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, em sẽ cân nhắc lựa chọn những môn học phù hợp với năng lực cũng như khối, ngành mà bản thân muốn xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học”, Đức Hà thông tin.

Cũng mang tâm thế của lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới, Phạm Vân Anh bày tỏ, em sẽ xem xét lựa chọn môn học phù hợp. “Với dự định sẽ học ngành Sư phạm Ngữ Văn nên các môn em ưu tiên lựa chọn thi tốt nghiệp THPT sẽ nghiêng về khối Xã hội. Tuy nhiên, em vẫn cần thời gian cân nhắc lựa chọn. Một khi lựa chọn xong, em sẽ đặt trọng tâm ôn tập vào các môn xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Riêng với các môn khác, em vẫn sẽ duy trì việc học tập như thường ngày vì với em môn học nào cũng rất quan trọng và cần thiết”, Vân Anh chia sẻ.

Không chỉ vạch ra định hướng về việc lựa chọn môn học, cách học phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, các học sinh này còn bày tỏ mong muốn sớm có đề thi minh họa để có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng vào năm tới.

Trước băn khoăn việc đưa Ngoại ngữ đang là môn thi bắt buộc thành là môn thi tự chọn từ năm 2025 sẽ khiến học sinh chểnh mảng, Phạm Hồng Minh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, mỗi môn học đều có vai trò trong cuộc sống. Vì thế, việc thi hay không thi một môn học nào đó không có nghĩa là học sinh sẽ chểnh mảng các môn còn lại. Bên cạnh đó, với quy định xét tốt nghiệp bằng phương thức kết hợp cả kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học thì học sinh khó thể lơ là trong quá trình học.

Theo cô giáo Nguyễn Thu Hải (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, quận Đống Đa), phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ giảm áp lực mà còn giúp học sinh phát huy tối đa năng lực. Phương án này không ảnh hưởng nhiều tới việc dạy học Ngoại ngữ và tin rằng sẽ có nhiều học sinh chọn Ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp.

Theo Bộ GD&ĐT, 2+2 là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất. Đại đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ủng hộ phương án 2+2. Các thành viên Hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối Khoa học Xã hội và khối Khoa học Tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Phạm Thảo

Lượt xem: 4
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết