Góc nhìn giáo dục: Đổi mới cách thức “kiểm tra miệng”
Dư luận xã hội đang xôn xao trước thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn bỏ kiểm tra bài đầu giờ đối với học sinh. Lý do vì cách làm này được cho là sẽ khiến học sinh căng thẳng, thậm chí mang tính chất áp đặt, “cưỡng bức” tinh thần của học sinh.
Sau khi tin này công bố trên báo chí và lan truyền qua mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ thái độ ủng hộ và đề nghị nên nhân rộng ra các địa phương khác để giảm bớt gánh nặng học hành cho các con.
Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, học sinh tới trường thì phải có nhiệm vụ học bài, thuộc bài. Giáo viên có thể gọi hỏi bất cứ lúc nào và học sinh phải sẵn sàng cho việc trả lời. Nếu bỏ kiểm tra đầu giờ với học sinh vì sợ các con thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi thì trẻ không chịu học bài.
Ký ức thời đi học thế hệ chúng tôi vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước luôn gắn với việc kiểm tra bài cũ trước khi học bài mới. Thời đó chưa có việc tràn lan dạy thêm, học thêm như bây giờ. Một tràng vỗ tay của cả lớp, một nụ cười của cô giáo, thầy giáo là niềm động viên rất lớn đối với chúng tôi khi giơ tay xung phong phát biểu trả lời câu hỏi kiểm tra bài cũ. Với những bạn được thầy giáo, cô giáo gọi tên lên bảng nhưng không trả lời được tuy có thẹn thùng một chút nhưng hôm sau đã thấy chăm học hơn.
Một tiết học của cô và trò Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội). |
Sau này, khi đã đứng trên bục giảng, tôi luôn thầm cám ơn các thầy cô ngày trước gọi học sinh phát biểu trước lớp để rèn kỹ năng diễn thuyết sau này. Giờ đây, trong quá trình dạy học, kể cả với các học trò lớn tuổi, tôi vẫn luôn duy trì việc kiểm tra bài cũ trước khi học bài mới.
Hoạt động này không chỉ là để đánh giá kiến thức tiếp thu được mà còn đo lường ý thức tự học, tự tìm hiểu của học trò; đồng thời giúp giáo viên phát hiện ra lỗ hổng trong nội dung kiến thức đã truyền tải của tiết học trước để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học. Chính vì lẽ đó, tôi ủng hộ việc tiếp tục duy trì kiểm tra bài cũ (kiểm tra miệng) trước khi học bài mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, có thể đổi mới cách kiểm tra này để học sinh, nhất là học sinh tiểu học bớt căng thẳng hơn mà vẫn đạt được mục đích, yêu cầu rèn luyện, giáo dục học sinh phải chăm chỉ, siêng năng học tập ở mọi lúc, mọi nơi.
Với bậc tiểu học, có thể kiểm tra dưới dạng trò chơi, kiểm tra những câu hỏi vui giúp học sinh hứng thú khi vào bài mới.
Với bậc trung học cơ sở có thể kiểm tra bài cũ trên tinh thần xung phong của học sinh hoặc giáo viên lồng ghép trong quá trình giảng dạy bài sẽ giúp cho học sinh tự tin trong học tập.
Với bậc trung học phổ thông, giáo viên có thể kiểm tra bài cũ trên tinh thần xung phong của học sinh kết hợp với việc gọi tên ngẫu nhiên các học sinh trong lớp.
ĐỖ PHÚ THỌ